Số hoá hồ sơ bệnh án, tối ưu hoá tài nguyên y tế

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định là tuyến điều trị cuối cùng của tỉnh Bình Định, với số lượng bệnh rất đông, việc áp dụng chuyển đổi số y tế tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đang được đơn vị này chú trọng thực hiện.

Theo đơn vị này, thời gian vừa qua, bệnh viện đã triển khai số hóa hồ sơ bệnh án, sử dụng thẻ căn cước công dân trong quy trình khám chữa bệnh và thanh toán không sử dụng tiền mặt. Trong đó, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt giúp xóa bỏ các thủ tục hành chính, giảm quá tải, hạn chế tối đa những rủi ro phát sinh khi dùng tiền mặt.

Tại bệnh viện, một tổ hỗ trợ luôn túc trực để hướng dẫn người dân đến khám chữa bệnh sử dụng căn cước công dân có gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm được thuận lợi hơn. Từ đó, đã giúp kiệm thời gian, giảm nhiều khối lượng công việc đáng kể cho nhân viên y tế trong khâu hành chính…

img 7690.jpg
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ để phục vụ người dân tốt hơn

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cũng đã đầu tư hàng loạt máy tính để thực hiện số hóa hồ sơ bệnh án. Khi đến khám, chữa bệnh thì bệnh nhân chỉ cần xác nhận lại thông tin cá nhân trên bệnh án bằng cách quét mã căn cước công dân, mà không cần phải mang theo sổ khám, cũng không cần phải kê khai tiền sử khám bệnh đã điều trị tại bệnh viện như trước đây.

Hơn 2 năm qua, các thông tin bệnh án đều được nhập vào phần mềm, giúp giải quyết một phần bài toán kho lưu trữ hồ sơ bệnh nhân. Việc số hóa hồ sơ bệnh án đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong hoạt động khám điều trị bệnh và quản lý hồ sơ bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Đồng thời, giúp cho quá trình khám chữa bệnh của bệnh viện trở nên dễ dàng và chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn và tối ưu hóa được tài nguyên y tế.

40 tỷ đồng đầu tư hiện đại hoá bệnh viện, chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn

Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y tế, phục vụ người dân tốt nhất, vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

Theo đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định được đầu tư trang bị mới hệ thống hạ tầng, trọng tâm là hệ thống thiết bị lõi, đảm bảo về công suất, hiệu năng, tốc độ truy xuất, xử lý dữ liệu, có tính sẵn sàng cao, cơ chế dự phòng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu hoạt động liên tục, có phần mềm phân tích, quản lý giám sát an ninh mạng, đáp ứng mức 7 của tiêu chí hạ tầng theo Thông tư 54/2017/TT-BYT.

image-20230629154809-3-1.png
Người dân quét mã QR thanh toán trực tuyến tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định

Cụ thể, bệnh viện sẽ được đầu tư về hạ tầng trung tâm dữ liệu gồm: đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng phòng máy chủ đảm bảo tiêu chuẩn của một trung tâm dữ liệu quy mô nhỏ, có đầy đủ thiết bị hỗ trợ an ninh, an toàn điện, an toàn cháy nổ, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, có thiết bị thông minh cảnh báo trước nguy cơ mất an toàn.

Việc đầu tư hệ thống mạng nội bộ (LAN) tại bệnh viện sẽ được trang bị hệ thống trục cáp quang nối từ phòng máy chủ đến các tòa nhà đạt tốc độ tối thiểu 10 Gbps; trang bị hệ thống chuyển mạch trung tâm (Core Switch) và hệ thống chuyển mạch phân phối (Distribution Switch); trang bị hệ thống thiết bị chuyển mạch người dùng kết nối với Distribution Switch; trang bị thiết bị tường lửa (Firewall) và trang bị phần mềm phân tích, quản lý giám sát an ninh mạng.

Bênh cạnh đó, bệnh viện cũng được đầu tư hệ thống máy chủ phục vụ hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS); hệ thống quản lý thông tin xét nghiệm (LIS) có bản quyền phần mềm hệ điều hành, bản quyền hệ quản trị cơ sở dữ liệu; hệ thống máy chủ phục vụ hệ thống quản lý lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) có bản quyền phần mềm hệ điều hành, bản quyền hệ quản trị cơ sở dữ liệu; hệ thống thiết bị lưu trữ tập trung (SAN) phục vụ PACS, HIS, LIS; hệ thống thiết bị hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh xác thực thông tin trên các giao dịch điện tử...

Ngoài ra bệnh viện cũng được trang bị hệ thống xếp hàng thông minh, tự động, có màn hình hiển thị, liên thông dữ liệu với HIS, LIS, hệ thống quản lý thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS); trang bị hệ thống bảng thông tin điện tử, liên thông dữ liệu với HIS, LIS, RIS; trang bị kiốt tra cứu thông tin dành cho người bệnh, người nhà người bệnh.

Tổng mức đầu tư dự kiến 40 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; thời gian thực hiện từ nay đến năm 2025.

Theo UBND tỉnh Bình Định, mục tiêu đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số tại Bệnh viện đa khoa tỉnh tạo điều kiện để hệ thống phần mềm vận hành đồng bộ, hiện đại, thực hiện thành công EMR (hồ sơ y tế điện tử); đồng thời hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và nâng cao công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân, tiến tới xây dựng bệnh viện thông minh, không giấy, không phim, hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả; từng bước đầu tư, nâng cấp để tiến tới đạt an toàn thông tin cấp độ 3 theo Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Hồ Giáp