Ngày 24/11, tại Hội nghị khoa học thường niên, bác sĩ Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc quản lý điều hành Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết, trên nền tảng khoa khám bệnh thông minh, hồ sơ bệnh án điện tử đã được triển khai 100% các khoa tại đây.
Bệnh viện TP Thủ Đức cũng đã số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án giấy (từ năm 2015 trở về trước) và tích hợp vào phần mềm với trên 6.000 hồ sơ giấy đã được scan bằng máy chuyên dụng. Nhờ đó, việc lưu trữ lâu, an toàn, tiết kiệm diện tích, phục vụ công tác thống kê, báo cáo, nghiên cứu khoa học, dự báo.
Đây cũng là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam thí điểm hồ sơ bệnh án điện tử. Bác sĩ Thanh cho hay, kết quả khảo sát nhanh ý kiến của 124 bác sĩ và điều dưỡng đã cho thấy các kết quả cụ thể. Theo đó, thời gian làm hồ sơ giảm rõ rệt từ 30,56 phút (với hồ sơ bệnh án giấy) còn 18,46 phút (bệnh án điện tử).
“88% người được phỏng vấn ủng hộ việc sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay hồ sơ bệnh án giấy”, bác sĩ Thanh nói và khẳng định, vai trò của cách mạng công nghệ 4.0 trong quản lý bệnh viện hết sức quan trọng và cần thiết.
Ngoài ra, Bệnh viện TP Thủ Đức còn áp dụng mô hình khoa khám bệnh thông minh giúp đa dạng hóa đăng ký khám chữa bệnh, phân loại người bệnh, giám sát tuân thủ phác đồ điều trị, cảnh báo khi kê thuốc…
Với mô hình này, năm 2022, nếu người bệnh chỉ khám và nhận thuốc tại Bệnh viện TP Thủ Đức sẽ mất 80,1 phút; người bệnh thực hiện từ 2-3 kỹ thuật cận lâm sàng, khám và nhận thuốc mất 3 giờ.
Bác sĩ Thanh khẳng định, hệ thống quản lý bệnh viện thông minh giúp quản lý khám, chữa bệnh chặt chẽ, nhanh gọn, chính xác, giảm thời gian thủ tục hành chính, nâng cao năng suất của bệnh viện.
Mới đây, Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện có hơn 1.400 bệnh viện công lập và hơn 300 cơ sở ngoài công lập. Một khảo sát do Cục Quản lý khám chữa bệnh thực hiện tại 732 cơ sở khám chữa bệnh cho thấy 71% cơ sở đã thực hiện thanh toán viện phí điện tử, số còn lại thanh toán bằng tiền mặt.
Về bệnh án điện tử, qua khảo sát, còn hơn 32% cơ sở chưa triển khai. Trong số các cơ sở đã thực hiện, mới có 3% cơ sở có phần mềm quản lý được ghi chép của hồ sơ bệnh án đã được thẩm định và bỏ bệnh án giấy.
Ngành Y tế đặt mục tiêu năm 2030, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.