LỜI TOÀ SOẠN 

Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Nhưng trụ cột này đang đối mặt khó khăn do nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, đồ gỗ sụt giảm đơn hàng. Làn sóng lao động phải nghỉ việc đang tiếp diễn, ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội.

VietNamNet triển khai tuyến bài ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, chuyên gia nhằm đưa ra nhận diện rõ hơn những nút thắt doanh nghiệp đang gặp phải, để từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.

Bài viết ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về những vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải, cách thức để duy trì năng lực cạnh tranh trong bối cảnh khó khăn bủa vây. 

Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodsland

Chúng tôi bị sụt giảm mất khoảng 15-20%. Thời điểm này rất khó tìm đơn hàng mới, vì khách hàng hay ưu tiên nhà cung cấp cũ. Trung bình toàn ngành gỗ, đơn hàng phải sụt giảm 30%.

Ngoài suy thoái kinh tế, theo tôi, còn nguyên nhân sâu xa nữa. Nếu Việt Nam không tăng khả năng cạnh tranh lên thì có thể mất đơn hàng vào tay nước khác, như Ấn Độ hay Bangladesh. Đó là những nước rất đông dân. Ngành gỗ, thủy sản, may mặc đều dựa vào lao động đơn giản theo kiểu nhân lực đông. Giờ chi phí lao động của Việt Nam tăng liên tục qua các năm, năng suất lao động chưa cải thiện nhiều đang là thách thức lớn.

Xuất khẩu đồ gỗ đang trong giai đoạn khó khăn. Ảnh: Đan Thanh

Năng lực cạnh tranh ở đây có nghĩa là cạnh tranh về giá. Ngoài bị cạnh tranh bởi các nước đông lao động như Ấn Độ, Bangladesh, các chính sách về bảo hiểm của Việt Nam cũng thay đổi hàng năm theo xu hướng tăng chi phí, khiến giá thành sản phẩm tăng cao hơn.

Thứ hai là sự đa dạng của các dịch vụ và sản phẩm của Việt Nam còn yếu, không thể bằng Trung Quốc

Hơn nữa, việc giảm năng lực cạnh tranh còn liên quan đến vấn đề môi trường. Phát triển xanh là vấn đề châu Âu rất quan tâm. Điều quan trọng là Việt Nam đã làm được gì để phát triển sản xuất xanh? 

Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh trước hết phải do bản thân các doanh nghiệp phải tự nỗ lực. Nhưng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt cũng có mức độ, nên ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, sự ủng hộ của Nhà nước cũng rất quan trọng.

Đừng để những lãng phí, thất thoát về cơ hội kinh doanh, về thời gian đình trệ do các thủ tục hành chính, thanh kiểm tra... khiến các doanh nghiệp bị yếu đi. Quan trọng là sự đơn giản và nhất quán trong các quy định pháp luật chứ không phải là các hỗ trợ tài chính trực tiếp.

Tất nhiên, mỗi doanh nghiệp có hoàn cảnh riêng. Bản thân tôi nghĩ không nên trông chờ hỗ trợ tài chính, mà Nhà nước hãy làm cho thể chế, các quy định minh bạch, đơn giản, rõ ràng là tốt lắm rồi. Còn doanh nghiệp phải tự xoay với dòng tiền của mình.

Ông Trần Tuấn Đại, Phó chủ tịch HĐQT - Phó Tổng giám đốc AMY GRUPO

Trong bối cảnh nhu cầu thế giới suy giảm, tại AMY GRUPO tình hình xuất khẩu quý I/2023 vẫn có những dấu hiệu tích cực, khả quan. Doanh thu quý I ổn định so với cùng kỳ năm 2022. Sản phẩm gạch ốp lát, sàn gỗ cao cấp chịu nước AMYGRES SPC vẫn là những sản phẩm chủ lực xuất khẩu vào các nước lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, châu Âu, châu Á,...

Ông Trần Tuấn Đại: Chúng tôi đẩy mạnh các chương trình phát triển nội lực để tận dụng cơ hội

Việc nâng cao năng lực công nghệ và năng lực quản trị của công ty là yếu tố then chốt để DN vượt qua những khó khăn của thị trường thế giới. Năm 2023, chúng tôi đã tận dụng chu kỳ tái cấu trúc nguồn cung toàn cầu để phát triển thị trường.

Chúng tôi tập trung đầu tư vào khoa học công nghệ, phát triển nhân sự để có thể tiếp tục mở rộng quy mô, khi các thách thức thương mại toàn cầu như logistics được giải quyết. 

Cùng với đó, tận dụng cơ hội xây dựng hệ thống quản trị, đánh giá chứng nhận bởi các tổ chức uy tín được các nước Âu - Mỹ công nhận nhằm sẵn sàng chuẩn bị để thích nghi. Song hành cùng nguồn nhân lực, AMY GRUPO phát triển và chuyển giao công nghệ với trình độ hiện đại, đảm bảo năng lực của hệ thống 5 nhà máy sản xuất của tập đoàn.

Việc đáp ứng các yêu cầu của đối tác quốc tế sẽ thúc đẩy DN phát triển bằng phương pháp khoa học, đổi mới sáng tạo, giữ uy tín và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Từ đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, sử dụng công nghệ và dữ liệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh. DN cũng thường xuyên tổ chức làm việc trực tuyến với các hiệp hội, ngành hàng và các DN trong các ngành vật liệu xây dựng để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị.

Nhờ vậy, không chỉ quý I mà công ty đang tận dụng cơ hội, vượt qua những khó khăn để tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhiều doanh nghiệp vẫn có đơn hàng khi không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội: 

Thách thức thứ nhất là thị trường xuất khẩu toàn cầu chậm chạp. Cụ thể, thị trường xuất khẩu đã giảm từ mùa hè năm ngoái đến nửa đầu năm nay, điều này khiến tiêu thụ của doanh nghiệp giảm.

Thách thức nữa là tăng chi phí, tiền lương của công nhân ngày càng tăng. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng dẫn đến tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra có những công nghệ mới như là trí tuệ nhân tạo và Việt Nam cần đầu tư vào những công nghệ mới này, đầu tư vào công nghệ logistic để tạo điều kiện giao dịch thông suốt.

Thách thức thứ ba liên quan đến việc cấp các loại giấy phép trong nước, tốc độ xử lý thủ tục hành chính chậm.

66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết cải cách thủ tục hành chính có vẻ đang chậm lại, con số này ở ASEAN chỉ 47%. Do đó, Việt Nam cần phải loại bỏ các loại phí không chính thức và tạo điều kiện cho mức giá phù hợp, điều này quan trọng vì các doanh nghiệp cần xử lý thủ tục hành chính nhanh gọn và minh bạch.

66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết cải cách thủ tục hành chính có vẻ đang chậm lại, con số này ở ASEAN chỉ 47%

Ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam:

Kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng chủ yếu từ 3 nguyên nhân và chúng cũng đang ảnh hưởng đến Việt Nam, bao gồm căng thẳng địa chính trị, chiến tranh Ukraine và lạm phát toàn cầu tác động đến kinh tế vĩ mô. GDP quý I/2023 thấp của Việt Nam là kết quả của điều này. Năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với thế giới.

Intel Việt Nam là một trong những địa điểm sản xuất quan trọng của Tập đoàn Intel và sản lượng sản xuất của chúng tôi đóng góp đáng kể vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam qua từng năm.

Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đóng góp đáng kể vào GDP của TP.HCM, đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu. Intel là một trong những người đóng góp chính.

Trong 3 năm qua, bất chấp tác động của Covid-19, giá trị xuất khẩu hằng năm của Intel chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu SHTP. Intel đóng góp 75 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong 13 năm qua và tạo ra hơn 7.000 việc làm công nghệ cao.

Khi đầu tư vào TP.HCM, thành phố đã trao quyền cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM là cơ quan một cửa cho tất cả nhà đầu tư trong khu công nghệ cao. Đó là một trong những chỉ số thành công quan trọng thu hút quyết định đầu tư của chúng tôi tại đây.

Chúng tôi hy vọng cơ chế một cửa sớm được khôi phục để cải thiện sự dễ dàng trong kinh doanh, giảm thời gian thực hiện tất cả các loại giấy phép như phòng cháy chữa cháy, xây dựng, môi trường...