lời toà soạn
Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Nhưng trụ cột này đang đối mặt khó khăn do nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, đồ gỗ sụt giảm đơn hàng. Làn sóng lao động phải nghỉ việc đang tiếp diễn, ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội.
VietNamNet triển khai tuyến bài ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, chuyên gia nhằm đưa ra nhận diện rõ hơn những nút thắt doanh nghiệp đang gặp phải, để từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.

Khi gia vị thành thiết yếu

Trong bối cảnh xuất khẩu cà phê và hạt tiêu của Việt Nam giảm lần lượt 9,5% và 8,6% so với cùng kỳ, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, cho biết, doanh nghiệp đi ngược xu hướng chung của toàn ngành khi tăng trưởng mạnh, lên tới 33%. Phúc Sinh đặt mục tiêu năm 2023 tăng trưởng ở mức 39%. Con số này, theo ông Thông, là khả thi nhưng cần nỗ lực hơn nữa.

Ông Thông chia sẻ, nhiều người hay nghĩ hạt tiêu là gia vị, chỉ để rắc một chút lên các món ăn. Phải hiểu nó là xúc xích, là thịt nguội, dăm bông,... Nếu không có hạt tiêu thì không có những món ăn này. Ở các nước, xúc xích, thịt nguội hay dăm bông đều là thực phẩm thiết yếu.

Tương tự, với cà phê, ông đi khắp nước Mỹ, thấy họ có thể không ăn sáng nhưng không thể thiếu cà phê vào buổi sáng. “Hiểu rõ như thế nên chúng tôi vẫn bán được rất nhiều hàng”, ông Thông kể.

Giảm tại các thị trường truyền thống nhưng đơn hàng từ thị trường mới của Phúc Sinh lại tăng (Ảnh: Dân Việt)

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, khoe cách đây hai ngày, doanh nghiệp vừa ký được một đơn hàng mới xuất khẩu hơn 11.000 tấn gạo lứt vừa xát vỏ sang Hàn Quốc, giá 695 USD/tấn. 

“Ước đơn hàng quý I và quý II tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp đang đàm phán ký các đơn hàng cho quý III/2023, trong đó chờ chốt đơn xuất khẩu hơn 30.000 tấn gạo”, ông nói. 

Gạo năm nay có giá tốt. Trung An đều ký được các đơn hàng có giá từ gần 600-1.500 USD/tấn. Theo ông Bình, bức tranh xuất khẩu gạo năm nay khá sáng nên các doanh nghiệp ngành gạo đang cân nhắc làm sao bán được với giá tốt nhất.

Bà Ngô Tường Vy - CEO Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - tiết lộ, đơn hàng của các nhà nhập khẩu đặt mua vẫn rất nhiều, doanh nghiệp không đủ để cung ứng. Không chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc mà Mỹ hay các thị trường khác cũng vậy. 

“Cụ thể tăng bao nhiêu phải đến hết tháng 6 có báo cáo mới biết, song chắc chắn tăng mạnh bởi năm nay đơn hàng còn nhiều hơn năm 2022”, bà tiết lộ.

Năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam gặp khó do khách hàng lớn nhất là Trung Quốc thực hiện chính sách zero Covid. Tuy nhiên, doanh thu từ xuất khẩu rau quả của Chánh Thu vẫn tăng 40% so với năm 2021 nhờ “bẻ khoá” được nhiều thị trường khó tính. Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi doanh số xuất khẩu nông sản so với năm ngoái.

Phải hiểu thị trường cần gì 

Để có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt bất chấp khó khăn, bà Ngô Tường Vy chia sẻ kinh nghiệm, ngoài chuẩn bị tốt chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải đi tìm hiểu thị trường cần gì. 

Bà dẫn chứng, nhiều năm trước, khi phần lớn người Việt vẫn cho rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính và tiềm năng thì doanh nghiệp đã xác định tới đây sẽ trở nên khó tính.

Bốn năm trước, bà đến Thái Lan, chứng kiến Trung Quốc áp dụng các tiêu chuẩn đối với nông sản của người Thái và nghĩ chắc chắn một ngày, họ cũng sẽ áp những tiêu chuẩn đó với Việt Nam. Thực tế đã chứng minh, Trung Quốc giờ siết nhập khẩu tiểu ngạch, nâng cao tiêu chuẩn với hàng hoá Việt Nam nhập khẩu.

Bà Ngô Tường Vy (áo tím) giới thiệu về các mặt hàng trái cây của công ty tại Đối thoại và Triển lãm AgriConnectioNZ (Ảnh: Phạm Hải)

Do đó, doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu nông sản Việt. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng nên lô sầu riêng đầu tiên xuất sang Trung Quốc được đón nhận ngoài mong đợi. Đến nay, đơn hàng sầu riêng xuất ngoại vẫn đều đặn, sản lượng năm nay ước đạt 30.000-40.000 tấn.

Hay thị trường Mỹ, qua đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đã thay đổi từ sản phẩm trái cây tươi qua chế biến, đặc biệt với sầu riêng đông lạnh và đạt được những thành công nhất định. Bà Vy cho rằng, thành công đó đến từ việc khảo sát thị trường, nắm bắt được nhu cầu và xu thế tiêu dùng mới, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm và xây dựng chiến lược cạnh tranh. Nếu không đi tìm hiểu sẽ không biết được những điều này.

Ông Phan Minh Thông cũng thừa nhận, khi mọi người vẫn còn 'ngồi một chỗ' thì ông đã đi khắp nơi để tìm hiểu thị trường. Phải đi tìm đơn hàng, chủ động tìm khách hàng, luôn suy nghĩ tích cực. Hiểu rõ thị trường, hiểu rõ khách hàng là bí quyết đem lại thành công cho doanh nghiệp. 

Ông cho rằng, mỗi chuyến đi, doanh nghiệp sẽ tìm hiểu được những thay đổi của thị trường, của văn hoá tiêu dùng nước đó, nắm bắt cách thức mua hàng... Ví như ở Trung Đông, trước họ dùng trà là chủ yếu, giờ cà phê là thức uống được ưa chuộng. 

"Chi phí chuyến đi rất lớn, làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhiều người thấy vậy không muốn làm. Nhưng nếu chỉ ngồi một chỗ thì càng chết. Không bán được hàng sẽ không có doanh thu và không lợi nhuận", ông khẳng định. Vậy nên, cứ đầu năm, Phúc Sinh sẽ lên kế hoạch cho các chuyến đi, dành một phần kinh phí không nhỏ cho marketing, xúc tiến thị trường. 

Ông Thông nhấn mạnh, xuất khẩu nông sản năm nay vẫn có những điểm sáng. Nhưng kết quả tích cực đó chỉ có được khi chúng ta tích cực di chuyển, tìm tòi, đổi mới. Doanh nghiệp nên chủ động đi tìm hiểu thị trường, gặp gỡ khách hàng, quảng bá sản phẩm, đừng thụ động ngồi chờ.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), ông Nguyễn Chánh Phương, lưu ý, thời điểm này, rất cần quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại. Theo ông, kênh hội chợ triển lãm được đánh giá là hiệu quả nhất, có thể thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham dự, cùng hàng nghìn khách, người mua hàng quốc tế.

Hawa đề xuất cơ quan Nhà nước hỗ trợ ngân sách, các đầu mối chuyên môn của Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương cùng các hiệp hội ngành gỗ xây dựng xúc tiến thương mại hiện đại ở cấp ngành. Nâng tầm hội chợ như HawaExpo, Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ nội thất TP.HCM, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia liên tục các thị trường truyền thống Âu, Mỹ và khai thác thêm thị trường tiềm năng như Trung Đông...

Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng với đại diện một số hiệp hội ngày 13/4, Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có chương trình kích cầu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp cho doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch. 

Ngoài ra, hiệp hội mong muốn điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Có chính sách hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm thủy sản. Có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ. Cho doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý I, II/2023. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản.