Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2022 cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,6%; khai khoáng tăng 5%; sản xuất và phân phối điện nước tăng 7,8%. Một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất đồ uống tăng 31,5%; sản xuất trang phục tăng 19,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 17,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 17,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 11%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành trọng điểm giảm như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 5,4%; sản xuất kim loại giảm 1,5%. 

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước như: ô tô tăng 16,4%; xe máy tăng 7,9%; quần áo mặc thường tăng 10,7%; giầy dép da tăng 9,3%; thuốc lá bao các loại tăng 9%. Ngược lại, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước như: quặng aptit giảm 14,4%; sắt thép thô giảm 15,3%; điện thoại di động giảm 5,1%; ti vi giảm 1,4%; giày dép da giảm.

Sản xuất lắp ráp ô tô đạt tăng trưởng cao trong 10 tháng đầu năm 2022. Ảnh Hoàng Hà.

Theo Bộ Công Thương, số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như: dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... nên một số công ty bán được lượng hàng ít hơn dự kiến, khiến các nhà sản xuất hạn chế tăng sản lượng trong tháng 10. 

Bộ Công Thương nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao. Trong khi đó, chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao cho khu vực kinh tế trong nước.

Đặc biệt, đồng USD tăng giá gây tác động bất lợi đến nhập khẩu. Tỷ lệ mất giá của đồng VND so với đồng USD làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... Thị trường bất động sản trầm lắng, đã ảnh hưởng đến các ngành thép, cơ khí, vật liệu xây dựng...

Các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu tiếp tục có xu hướng giảm, do tác động tiêu cực của lạm phát cao, ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... kết hợp với lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ, sẽ làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp 2 tháng cuối năm 2022, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp: Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển tiếp cận thị trường sang các nước châu Á, nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn, đa dạng hóa thị trường. Triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại. Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, để tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp, để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng… Kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu. Rà soát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành.