Cung cầu thị trường ngoại tệ còn dựa trên cán cân thanh toán quốc tế 2015. Qua tính toán thì thấy, cả năm 2015, vẫn còn thặng dư 5 tỷ USD.


Xu hướng găm giữ USD

Trong tham luận gửi tới Diễn đàn kinh tế mùa Xuân, ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Uỷ ban tài chính giám sát quốc gia đánh giá, tỷ giá dù đã được điều chỉnh 1% hồi đầu năm nhưng vẫn đang chịu nhiều áp lực. Đồng đô la Mỹ vẫn đang tăng giá nhiều so với các ngoại tệ khác, trong khi đó, đã có thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cho tăng sớm lãi suất đồng USD vào tháng 6 tới. 

Ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm dự báo kinh tế xã hội quốc gia, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư bình luận rằng, “hướng tăng giá đô la Mỹ sẽ còn tiếp tục, và việc giảm giá mạnh của các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ sẽ chưa dừng lại”. Điều này làm cho tiền đồng tăng giá tương ứng sẽ làm giảm tính cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam. 

Cùng với việc lãi suất đồng USD đang thấp như hiện nay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân sẽ có xu hướng găm USD nhiều hơn. Cung- cầu ngoại tệ sẽ không thuận lợi như dự tính.

{keywords}
Đồng USD vẫn đang lên giá?

"Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc lợi ích dài hạn của nền kinh tế để ra quyết định sớm có hay không nên điều chỉnh tăng tỷ giá theo cung – cầu của thị trường", ông Ân khuyến nghị. 

Phát biểu tại diễn đàn, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn nói, "đây là tình thế không dễ dàng". Việt Nam là nền kinh tế mở, 90% là kim ngạch thương mại thanh toán bằng USD. Nhưng dư địa nới tỷ giá VND 8 tháng còn lại năm nay chỉ còn 1%. 

Theo Viện trưởng Thiên, xuất nhập khẩu của Việt Nam do các doanh nghiệp FDI thực hiện chiếm đến 65-67% tổng giá trị kim ngạch. Khu vực này liên tục xuất siêu và thanh toán trực tiếp cũng bằng đồng USD nên sẽ không chịu rủi ro tỷ giá. Nhưng ngược lại, khu vực doanh nghiệp nội địa lại nhập siêu lớn, hoạt động vẫn ngày càng khó khăn. Trong khu vực này, chỉ có dệt may là có chuỗi công nghiệp hỗ trợ, còn lại, hàng xuất lớn chủ yếu là hàng nông sản thô. 

"Cuối cùng, người nông dân Việt Nam là người gánh chịu lớn nhất khi có rủi ro tỷ giá", ông Thiên nói. 

Với bối cảnh này, TS Trần Đình Thiên đề nghị cần tăng dư địa điều chỉnh tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước không nên đóng đinh quan điểm là chỉ có ngưỡng điều chỉnh 2% trong năm nay, như vậy là tự trói mình. Bởi vì sức nén tỷ giá đang rất cao. 

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực bày tỏ: NHNN cũng phải linh hoạt trong vấn đề này. Có thể là không nhất thiết tăng 1% trong một lúc mà chỉ tăng một mức nhất định. Kể cả trường hợp cần tăng quá 2% thì NHNN cũng phải làm. 

Đủ điều kiện neo tỷ giá

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi FED công bố thông tin từ 18/3, diễn biến USD có xu hướng giảm. 

Phó Thống đốc nói, so sánh với các đồng tiền mạnh khác, đồng USD chủ yếu tăng mạnh so với EURO, Bảng Anh, đô-la Úc. Còn lai, so các đồng tiền khu vực châu Á như Yên Nhật, Nhân dân tệ, Bạc Thái Lan thì lại có xu hướng giảm giá nhẹ. Thậm chí, các đồng tiền châu Á này còn tăng giá so với USD.  

{keywords}
Phó Thống đốc NHHH Nguyễn Thị Hồng (ảnh: Phạm Huyền)

Thông tin cập nhật chiều 21/4 từ Phó Thống đốc Hồng cho biết, tỷ giá giảm mạnh về mức 21.582- 21.583 đồng/USD. So với mức trần là 21.673 đồng/USD thì mức này vẫn thấp hơn gần 200 đồng. Thị trường chưa thấy có nhu cầu đột biến. Điều này cho thấy diễn biến đồng USD vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngân hàng Nhà nước. 

Bà Hồng chia sẻ, điều hành tỷ giá là vấn đề nhạy cảm vì không chỉ chịu tác động cung-cầu đơn thuần mà còn là do tâm lý kỳ vọng. Nếu hiểu không đúng, không thực chất các số liệu nền kinh tế thì tâm lý kỳ vọng sẽ gây ra cung cầu bất thường. Do vậy, NHNN điều hành tỷ giá phải quyết định đúng thời điểm, đúng liều lượng.

"Việc quyết định tỷ giá ở mức độ nào, còn phải dựa trên bình diện tổng thể nền kinh tế, không chỉ thiên về xuất hẩu hay nhập khẩu", bà Hồng cho biết. 

Hàm ý trả lời cho các đề nghị nên nới dư địa điều chỉnh tỷ giá, Phó Thống đốc khẳng định, "cung cầu thị trường ngoại tệ còn dựa trên cán cân thanh toán quốc tế 2015. Qua phối hợp với các bộ, chúng tôi tính toán thì thấy, cả năm 2015, vẫn còn thặng dư 5 tỷ USD. Như vậy có điều kiện để NHNN ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra". 

Bên cạnh đó, bà Hồng cũng khẳng định, NHNN luôn chú trọng kiểm soát các yếu tố ngắn hạn trên thị trường như lãi suất, dư thừa thanh khoản tiền đồng và luôn điều hành theo phương châm nâng cao vị thế VND để khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho NN. Điều này phù hợp chủ trương chống đô la hoá.

Phạm Huyền