- Ngày 25.3.2015, NHNN đưa ra thông điệp tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm. Xung quanh vấn đề này phóng viên đã trao đổi với chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh.

PV: Theo ông, yếu tố nào là nguyên nhân chính khiến cho USD tăng giá trên thị trường trong thời gian vừa qua?

TS. Vũ Đình Ánh: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến USD có xu hướng tăng giá, trong đó có nguyên nhân khách quan là USD đã và đang mạnh lên so với nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới do nhận được sự hỗ trợ từ sự tăng trưởng vượt trội của kinh tế Mỹ, nhiều NHTW trên thế giới thực hiện CSTT nới lỏng để đối phó với sự lên giá của USD. Bản thân giá trị của USD cũng đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ những "đồn đoán" về hành động chính sách của FED.

Tuy nhiên, lý do chủ yếu khiến cho giá USD biến động tương đối mạnh trong những ngày gần đây, theo tôi, chính là nguyên nhân chủ quan mang yếu tố tâm lý và kỳ vọng Việt Nam cũng sẽ tăng tỷ giá tương tự như một số quốc gia khác. Tâm lý và kỳ vọng đó lại được kích thích bởi cán cân thương mại những tháng đầu năm chuyển sang thâm hụt. Ngoài ra, chênh lệch tương đối lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế cũng tạo điều kiện cho những dự đoán về tăng cầu USD để nhập lậu vàng. Kỳ vọng và tâm lý tăng giá USD diễn ra cả ở thị trường giao dịch ngoại hối chính thức cũng như phi chính thức.

{keywords}

Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh.

Song, suốt thời gian qua cung cầu ngoại tệ không có biến động lớn bên cạnh nguồn dự trữ ngoại hối tiếp tục được duy trì và củng cố trong khi sức mua đối nội của VND gần như không thay đổi do lạm phát ổn định ở mức thấp, do đó, việc USD tăng giá so với VND trên thị trường trong thời gian vừa qua có tính chất "sóng" xuất phát từ tâm lý và kỳ vọng chứ không phải là tỷ giá hối đoái "dâng lên" dưới tác động của môi trường kinh tế tài chính trong và ngoài nước. Chính vì vậy, thị trường ngoại hối nhất định sẽ quay trở về trạng thái cần có nếu xử lý đúng những nguyên nhân kỳ vọng và tâm lý.

PV: Ông đánh giá như thế nào về động thái của NHNN tuyên bố tiếp tục giữ ổn định tỷ giá?

TS. Vũ Đình Ánh : Việc NHNN chính thức tuyên bố vẫn điều hành tỷ giá hối đoái theo biên độ đề ra từ đầu năm là một động thái kịp thời và cần thiết để ổn định thị trường ngoại hối, thể hiện đúng vai trò của cơ quan quản lý, điều hành và trong chừng mực nhất định là dẫn dắt thị trường. Ứng phó với những biến động do tâm lý và kỳ vọng gây ra thì không có gì hiệu quả hơn là sử dụng những biện pháp tác động trực tiếp tới chính tâm lý và kỳ vọng đó, nhất là khi kỳ vọng và tâm lý "đám đông" không được hình thành trên những căn cứ hợp lý cả về mặt lý thuyết và thực tế. Bằng tuyên bố của mình, NHNN đã củng cố niềm tin của thị trường vào quyết tâm và khả năng điều hành chính sách tỷ giá hối đoái theo đúng nguyên tắc chủ động và linh hoạt, giữ vững thế chủ động của mình trước những sức ép từ bên trong lẫn bên ngoài hệ thống tài chính.

Lập luận cho rằng phá giá VND sẽ kích thích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, qua đó cải thiện cán cân thương mại và cán cân vãng lai cũng như duy trì sức cạnh tranh về giá cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đúng về mặt lý thuyết song chưa được kiểm chứng trong thực tế nước ta, đặc biệt là từ năm 2012 đến nay kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng mạnh đi đôi với thặng dư cán cân thương mại lại chính là thời gian tỷ giá hối đoái ổn định nhất.

Tăng tỷ giá hối đoái hoàn toàn có thể "lợi bất cập hại" trong khi chưa có sự thay đổi lớn trong cơ cấu xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam, cả cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường, cơ cấu nhà xuất nhập khẩu, cơ cấu chi phí sản xuất,... theo hướng giảm tỷ lệ gia công, giảm sự phụ thuộc vào máy móc, công nghệ, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu, tăng hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước trong điều kiện chủ động tham gia sâu rộng hơn vào những "mắt xích" có hiệu quả kinh tế cao nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ đến khi đó, chính sách tỷ giá hối đoái mới phát huy được vai trò đích thực của nó đối với cán cân thương mại nói riêng, hoạt động thương mại nói chung.

Bên cạnh đó, mỗi sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái không chỉ tác động đến thương mại mà còn tác động đến hàng loạt các yếu tố kinh tế tài chính vĩ mô và vi mô khác, đặc biệt là đối với một quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam. Chúng ta không chỉ có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá gấp hơn 1,5 lần qui mô GDP hàng năm mà còn có qui mô nợ công trên 60%GDP, trong đó riêng nợ nước ngoài gần 40% GDP, và vốn FDI đóng góp hơn 1/5 tổng vốn đầu tư toàn xã hội,...

{keywords}

Chính vì vậy, chính sách tỷ giá hối đoái không chỉ cần được điều hành một cách chủ động và linh hoạt mà còn cần phải thận trọng nữa. NHNN cũng đang điều hành theo hướng này.

PV: Theo ông, cam kết điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm 2015 là có khả thi?

TS. Vũ Đình Ánh: Nếu nhìn lại năm 2014, cán cân thanh toán quốc tế tổng thể thặng dư ở mức khá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các khu vực của nền kinh tế nắm giữ một lượng ngoại tệ khá lớn trong nền kinh tế, và lượng ngoại tệ này được tập trung chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Đặc biệt là với chính sách điều hành của NHNN hiện nay luôn nhất quán theo hướng nâng cao vị thế và tính hấp dẫn của VND, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng thì lượng ngoại tệ này có thể được người dân bán cho các TCTD, từ đó có thể bán cho NHNN để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Theo NHNN, mặc dù nhập siêu quay trở lại nhưng nhờ tiếp tục thu hút được một lượng lớn ngoại tệ từ các nguồn khác như kiều hối, giải ngân đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp nước ngoài... nên cán cân thanh toán tổng thể vẫn tiếp tục thặng dư và trên thực tế, các nhu cầu về ngoại tệ của các tổ chức và cá nhân vẫn được đáp ứng thông qua các giao dịch ngoại hối bình thường trên thị trường chính thức.

Căn cứ vào dự báo kinh tế tài chính trong nước năm 2015, tôi cho rằng cam kết không tăng tỷ giá quá 2% của NHNN vẫn có cơ sở để thực hiện được. Tôi chỉ nhấn mạnh lại một điều là NHNN nên duy trì và củng cố vững chắc thế chủ động của mình không chỉ trong điều hành chính sách tỷ giá hối đoái mà còn cả trong quản lý và điều tiết thị trường ngoại hối, kể cả đối với những yếu tố mang tính chất tâm lý thị trường. Sự chủ động của NHNN chính là nền tảng cho các biện pháp linh hoạt và thận trọng xử lý mối quan hệ phức tạp, đa chiều giữa tỷ giá hối đoái với các biến số kinh tế tài chính khác, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới được dự báo sẽ có không ít biến động trong năm 2015 này./.

Nguyễn Ngọc Quyết