Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ với tất cả các quốc gia thành viên trong 2 quý đầu năm 2024 để phát triển chiến lược robot “được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI)”, đảm bảo châu Âu vẫn là một thành tố có vai trò quan trọng trong lĩnh vực này.

1920x1080 cmsv2 bd1fbeaf fe9b 5b.jpg
EU đang hướng tới xây dựng một khung chiến lược tổng thể cho toàn khối trong lĩnh vực robot hỗ trợ AI.

Chiến lược dự kiến sẽ giải quyết tất cả các khía cạnh của việc phát triển và ứng dụng robot, đồng thời sẽ liên quan trực tiếp đến các kế hoạch khác như Sáng kiến ​​về AI tại nơi làm việc và Đạo luật AI. 

Nhu cầu ngày càng tăng về robot, chủ yếu trong các ngành như chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, hậu cần và sản xuất, tạo ra những thách thức liên quan đến khả năng thích ứng và an toàn của lực lượng lao động.

Do đó, kế hoạch của EU sẽ đảm bảo việc triển khai robot một cách có trách nhiệm và có đạo đức, xem xét các rủi ro và biện pháp về quyền riêng tư, an ninh mạng, tính minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình.

Năm 2021, Ủy ban châu Âu đã từng công bố một kế hoạch hành động phối hợp về robot, trong đó khuyến khích các quốc gia thành viên xây dựng các chiến lược robot quốc gia. Giờ đây, các nước EU sẽ được tham vấn về nội dung chiến lược tổng quan của mình, làm cơ sở cho các cuộc họp chung toàn khối dự kiến ​​bắt đầu vào tháng 2/2024.

Trong thập kỷ qua, ngành công nghiệp robot ở châu Âu đã phát triển với tốc độ đáng kể. Theo số liệu của Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), các quốc gia thành viên EU đã lắp đặt gần 72.000 thiết bị vào năm 2022, tăng 6% so với năm 2021. 

Năm quốc gia ứng dụng robot hàng đầu là Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan, chiếm khoảng 70% tổng số robot công nghiệp được lắp đặt của EU vào năm 2022. Điều này khiến châu Âu trở thành khu vực lớn thứ hai toàn cầu về mức độ sử dụng robot sau Trung Quốc.

Một số quốc gia, chẳng hạn như Đức, đã có những tiến bộ vượt bậc so với những quốc gia khác trong khu vực. Chính phủ Đức cho biết sẽ tổ chức hội nghị quốc gia về robot dựa trên AI vào tháng 6/2024. Ngoài ra, Đức sẽ thành lập một viện chế tạo robot tập trung vào công nghệ điện toán đám mây và điện toán biên.

Vào tháng 12/2023, EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về bộ quy tắc AI. Tuy nhiên, một số chi tiết kỹ thuật vẫn sẽ cần được hoàn thiện và dự kiến EU ​​sẽ có một thỏa thuận chung về những vấn đề còn để ngỏ.

(theo Euronews)