Mặc dù Washington thắt chặt hạn chế bán dẫn tiên tiến - yếu tố quan trọng trong đào tạo hệ thống AI, hàng loạt công ty công nghệ tại đại lục đã cho ra mắt những mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) riêng.

Điều này đã từng được dự báo, khi “việc thiếu hụt đơn vị xử lý đồ họa tiên tiến tại Trung Quốc, trở thành động lực và thúc đẩy sự phát triển của công nghệ AI” - theo Winston Ma, tác giả của cuốn sách Digital War - How China's Tech Power Shapes the Future of AI, Blockchain and Cyberspace (Cuộc chiến kỹ thuật số - Cường quốc công nghệ Trung Quốc định hình tương lai AI, công nghệ chuỗi khối và an ninh mạng như thế nào).

Đưa AI vào thực tiễn

Trong khi OpenAI, công ty dẫn đầu trong ngành công nghiệp AI hiện nay vẫn chưa cung cấp rộng rãi Sora - công cụ chuyển văn bản thành video, thì tại Trung Quốc, ngay cả một startup ít tên tuổi như Shengshu AI (trụ sở Bắc Kinh) đã triển khai dịch vụ tương tự có tên Vidu.

Công ty khởi nghiệp trụ sở Bắc Kinh là cái tên thứ ba ra mắt công cụ chuyển văn bản thành video, sau Kuaishou và Zhipu AI.

017991704bf5f9b64377ba4548a323685aeb3149.avif.jpg
Trung Quốc đẩy mạnh đưa AI vào thực tiễn. Ảnh: SCMP

Dù Sora là nền tảng ngôn ngữ lớn (LLM) tiên phong trong việc biến văn bản thành video, thế nhưng các công ty Trung Quốc mới là những người đưa công cụ này đến tay người dùng toàn cầu nhanh hơn.

Tiếp đó, LLM nguồn mở cũng là xu hướng tại Trung Quốc để bất kỳ ai cũng có thể xây dựng được hệ thống AI của riêng họ.

Vào tháng 6, Alibaba Group Holding ra mắt LLM nguồn mở Qwen2 - mô hình được Hugging Face xếp hạng số một về AI nguồn mở vào thời điểm đó.

"Qwen 72B (72 tỷ tham số) là vua và các mô hình mở của Trung Quốc đang thống trị nói chung", đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Hugging Face, Clement Delangue cho biết trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X.

Giải mã sự tiến bộ nhanh chóng

Các nhà phân tích cho rằng, một phần sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực AI là nhờ khả năng giải quyết các hạn chế về chip để phát triển sức mạnh tính toán thông minh cần thiết trong đào tạo các LLM địa phương.

Kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu đối với chip A100 và H100 của Nvidia, những con chip được coi là “tiêu chuẩn vàng” để đào tạo các hệ thống AI tinh vi, và sau đó là chip A800 và H800 ít mạnh hơn, Bắc Kinh và một số doanh nghiệp công nghệ của quốc gia này đã tìm cách xây dựng kho dự trữ lớn về sức mạnh điện toán thông minh, trong đó một phần dựa vào vào các giải pháp do địa phương phát triển.

"Nhìn vào các con số, sức mạnh điện toán trong nước đã tăng lên nhanh chóng, khi nhiều doanh nghiệp nhà nước và địa phương được giao nhiệm vụ phát triển sức mạnh điện toán thông minh", Li Yangwei, cố vấn kỹ thuật tại Bắc Kinh cho biết.

Li nói thêm, các chip sản xuất trong nước cũng như các giải pháp về bộ nhớ, chẳng hạn như của Huawei, đang là nỗ lực mạnh mẽ nhất của Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng AI nội địa.

Trong một số thử nghiệm, chip AI Ascend 910B của Huawei được ghi nhận có hiệu suất từ ​​80% đến 120% so với A100 của Nvidia khi đào tạo LLM.

Trong khi đó, Zhang Yi, nhà sáng lập kiêm nhà phân tích chính tại công ty tư vấn công nghệ iiMedia cho biết, việc nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng tài nguyên máy tính cũng đã giúp giảm bớt lo lắng về tình trạng thiếu chip tiên tiến.

Khi so sánh với các quốc gia khác, quy mô thị trường rộng lớn của Trung Quốc và nhu cầu của khu vực công đối với AI cùng các ứng dụng là lợi thế để thúc đẩy sự phát triển của AI tại nền kinh tế số hai thế giới.

(Theo Bloomberg, SCMP)

Ấn Độ gây thất vọng, Apple ‘quay xe’ về Trung QuốcSau chuyến công tác của CEO Tim Cook vào tháng 3/2024, Apple tiếp tục cử một đại diện quản lý cấp cao khác sang Trung Quốc, cho thấy tầm quan trọng của thị trường cũng như động thái thay đổi về chiến lược của “nhà táo”.