Giáo dục STEM giúp phát triển năng lực vận dụng kiến thức liên môn 

Sáng 20/5, Ngày hội STEM năm 2022 đã được tổ chức tại trụ sở Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN). Ngày hội STEM là một hoạt động thường niên nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM - một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. 

STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). 

Giáo dục STEM là một quan điểm dạy học theo tiếp cận liên ngành, từ hai trong số bốn lĩnh vực nêu trên trở lên. Trong đó, nội dung học tập được gắn với thực tiễn, còn phương pháp học tập được gắn với thực hành để học sinh làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo và nắm bắt định hướng nghề nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Mô hình giáo dục STEM đang được phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam những năm gần đây. 

Ở Việt Nam, giáo dục STEM đã được manh nha từ năm học 2006-2007, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thử nghiệm việc thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học tại một số trường THPT để chuẩn bị tham gia cuộc thi khoa học - kỹ thuật ISEF cấp tỉnh/thành phố. 

Sau đó, vào đầu những năm 2010, bắt đầu xuất hiện các doanh nghiệp nhập chương trình giáo dục STEM từ nước ngoài về và đưa vào dạy ngoại khóa tại một số trường phổ thông ở những thành phố lớn.

Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chủ trương ủng hộ và khuyến khích giáo dục STEM như đưa giáo dục STEM vào nhiệm vụ không bắt buộc của các trường THCS và THPT (năm 2014), chỉ đạo việc thành lập CLB STEM ở tất cả các trường phổ thông (năm 2015),...

Gần đây nhất, Chương trình Giáo dục phổ thông nới được công bố vào cuối năm 2018 đã thể hiện sự đề cao giáo dục STEM ở việc yêu cầu dạy học tích hợp, tạo điều kiện tổ chức các chủ đề STEM, góp phần phát triển năng lực vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh.

Giáo dục STEM sẽ nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho giới trẻ

Ngày hội STEM là sự kiện được tổ chức lần đầu vào năm 2015 theo sáng kiến của Tạp chí Tia Sáng và Liên minh STEM, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Kể từ đó đến nay, sự kiện này được tổ chức thường niên vào dịp Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5). 

Những năm qua, Ngày hội STEM đã luôn thu hút đông đảo học sinh, giáo viên, phụ huynh, nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý và người yêu thích khoa học công nghệ.

Ngày hội STEM năm 2022 được tổ chức tại trụ sở Bộ Khoa học & Công nghệ.

Nếu như ở những năm trước, Ngày hội STEM chỉ tập trung vào một sự kiện diễn ra tại Hà Nội thì lần này, Ngày hội STEM 2022 bao gồm một chuỗi hoạt động ở hơn 10 địa phương trên cả nước. Điều này cho thấy, giáo dục STEM đã bắt đầu lan tỏa và hình thành được nền tảng phát triển vững chắc từ dưới lên. 

Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia thuyết trình của khoảng 30 học sinh, sinh viên và thầy cô đến từ 13 tỉnh/thành phố: Hà Nội, TPHCM, Nam Định, Lạng Sơn, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lào Cai, Cao Bằng, Lai Châu, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bến Tre.

Tại Ngày hội STEM 2022, lần đầu tiên có một diễn đàn riêng để các em học sinh từ thành thị đến nông thôn và miền núi, từ trường chuyên danh tiếng đến trường làng giới thiệu các hoạt động học tập, sinh hoạt câu lạc bộ theo định hướng STEM.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định.

Chia sẻ tại Ngày hội STEM 2022, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định khẳng định, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp để nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại và phát triển. 

Phương pháp tiếp cận liên môn, liên ngành thông qua giáo dục STEM là một cách tiếp cận phù hợp để nâng cao các kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số cho người trẻ.

“Để đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực từ chính các em học sinh, qua đó đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nói. 

Trọng Đạt