Chiều 6/1, bà Lê Thị Bích Trân, phu nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính và bà Vandara Siphandone, phu nhân Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tới thăm Làng trẻ em SOS tỉnh Thái Bình, tham quan làng dệt đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương). Đây là hoạt động trong khuôn khổ Thủ tướng Lào và phu nhân thăm chính thức Việt Nam, .
Báo cáo với hai phu nhân, Giám đốc Làng trẻ em SOS Thái Bình Nguyễn Văn Tân cho biết, làng trẻ được thành lập vào năm 2013. Nơi đây đã nuôi dạy được 218 em đang sinh sống, học tập tại làng và nuôi dưỡng ngoài cộng đồng là 320 em, trong đó có một số trường hợp đã đi học đại học và lập gia đình.
Làng trẻ em SOS Thái Bình mang lại cho các em thứ tình thương đặc biệt, tạo điều kiện cho các em đi học để có thể hòa nhập vào cuộc sống.
Tại cuộc gặp, hai phu nhân đã ân cần thăm hỏi, động viên, bày tỏ khâm phục ý chí các bà mẹ, cán bộ, nhân viên, giáo viên của làng trẻ. Hai phu nhân đã tặng những phần quà ý nghĩa cho các em nhỏ và mong muốn các cán bộ, nhân viên nơi đây tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Chuyến thăm của hai phu nhân đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, là nguồn động viên quý báu để các bà mẹ, cán bộ, nhân viên, giáo viên Làng trẻ em SOS Thái Bình phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phu nhân Lê Thị Bích Trân và phu nhân Vandara Siphandone cũng đã tới tham quan làng dệt đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương).
Tại đây, hai phu nhân thăm nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm. Ngôi nhà cổ 5 gian là điển hình của khu vực đồng bằng Bắc Bộ được làm từ gỗ lim, lát gạch và mái ngói đỏ... Qua 2 cuộc kháng chiến, ngôi nhà từng là nơi cất giấu vũ khí và che giấu cho các chiến sĩ hoạt động cách mạng. Đến nay, ngôi nhà vẫn được gìn giữ và trở thành một di tích văn hóa của làng Đũi Nam Cao.
Làng nghề có giai đoạn chỉ còn 3 hộ theo nghề, đến nay đã được "hồi sinh" trở lại với hơn 200 hộ. Cũng nhờ sự phát triển của HTX lụa Đũi Nam Cao - Hanhsilk, mỗi năm ngôi nhà cổ đón thêm hàng nghìn du khách tới thăm quan, trải nghiệm các công việc cùng nghệ nhân, tìm hiểu văn hóa làng nghề. Hoạt động này giúp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - nghề dệt đũi bền vững với thời gian.
Hai phu nhân trải nghiệm cùng các nghệ nhân kéo sợi, quay tơ đánh ống kéo đũi.
Theo giới thiệu tại làng nghề, cuối thế kỷ 16, có người họ Nguyễn Xuân về quê cũ Bất Bạt - Sơn Tây học nghề canh cửi. Sau trở lại dạy con cháu trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ... Từ đó, dệt đũi trở thành nghề truyền thống ở làng Cao Bạt xã Nam Cao.
Đầu thế kỷ 20, giao thương phát triển, nghề trong làng mở rộng. Sau 1954, làng nghề phát triển thành HTX tiểu thủ công nghiệp Nam Cao.
Qua bao thăng trầm lịch sử, tới nay HTX Đũi Nam Cao đã có hơn 200 nghệ nhân, 1.000ha vùng nguyên liệu, doanh thu mang lại thu nhập ổn định cho người dân.