Trong khi Chính phủ đang gồng mình tính những khoản tiền khổng lồ lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng để giúp cho người lao động, đặc biệt người nghèo, người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19 thì hàng loạt doanh nghiệp lớn công bố những con số khó khăn 2020 và không ít trong số đó là các khoản lỗ lớn.

Hãng hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) vừa đưa ra ước tính lỗ khoảng 2.400 tỷ trong quý 1 và cả năm có thể lỗ gần 20.000 tỷ nếu dịch kéo dài đến quý 4. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế gần 15.000 tỷ đồng và cần được hỗ trợ ngay từ tháng 4/2020.

Hai hãng hàng không tư nhân lớn khác là VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết chưa có ước tính lỗ cho cả năm. Lãnh đạo các doanh nghiệp này đang đẩy mạnh mua vào cổ phiếu và tự đề xuất giảm lương để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Đáng chú ý, khi các hãng bay tê liệt thì các hoạt động dịch vụ khác cũng ảnh hưởng lớn.

Ông lớn hạ tầng hàng không Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng ước tính lợi nhuận giảm 24% trong quý 1 về chỉ còn gần 1,9 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận cả năm được cảnh báo có thể chỉ bằng 14% so với kế hoạch do dịch Covid-19.

ACV là doanh nghiệp quản lý phần lớn các sân bay dân dụng tại Việt Nam và cũng như các hãng hàng không Việt là các đối tượng được hưởng lợi chính trong sự bùng nổ du lịch và hàng không của Việt Nam.

{keywords}
Các hãng hàng không thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19

Là một doanh nghiệp gần như độc quyền trong lĩnh vực hạ tầng sân bay, ACV gần đây thông báo giảm 50% dịch vụ dẫn tàu bay, 10% dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất... Tuy nhiên, một số các loại phí, thuế cao nhất như phí cất hạ cánh, phí điều tiết đường bay, phí bãi đỗ, phí phục vụ hành khách,... được cho là chưa giảm hoặc giảm ít.

Trong năm 2019, Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways phải nộp các loại phí trực tiếp và gián tiếp gần 35 tỷ đồng/ngày.

Một doanh  nghiệp hoạt động phụ thuộc vào hàng không là Taseco Airs (AST) cũng vừa đưa ra dự kiến lợi nhuận 2020 có thể giảm tới 90% theo kịch bán dịch bệnh Covid-19 sẽ hết dịch vào tháng 7, thị trường hồi phục dần và trở lại bình thường từ tháng 9.

Năm 2019, Taseco Airs đã ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt hơn 1,1 ngàn tỷ, tăng 32% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 263 tỷ, tăng hơn 29%.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index quay đầu giảm nhẹ sau một phiên tăng cao lịch sử trong vòng gần 2 thập kỷ qua (tăng 5%). Nhiều cổ phiếu quay đầu giảm do áp lực chốt lời tăng lên và giới đầu tư lo ngại về triển vọng kinh doanh 2020 của các doanh nghiệp.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự thận trọng.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiến đến thử thách vùng kháng cự 745-750 điểm. Tại đây, thị trường nhiều khả năng sẽ chịu áp lực chốt lời và điều chỉnh trở lại để kiểm định vùng hỗ trợ 700-720 điểm. Tình hình kiểm soát dịch Covid-19 đang phát đi những tín hiệu tích cực, cùng với đó là diễn biến khởi sắc của thị trường chứng khoán toàn cầu.

Đây là các yếu tố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà hồi phục của thị trường. Tuy nhiên, điểm tiêu cực vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại. Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ dần được công bố trong tháng 4. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/4, VN-Index giảm 34,95 điểm lên 736,75 điểm; HNX-Index tăng 5,41 điểm lên 103,26 điểm. Upcom-Index tăng 1,2 điểm lên 50,33 điểm. Thanh khoản đạt 5,4 ngàn tỷ đồng.

V. Hà