Sau khi loạt bài liên quan đến những câu chuyện về việc học lái xe theo quy định mới tại Thông tư 04/2022/TT-BGTVT được VietNamNet đăng tải, đã có rất nhiều ý kiến xung quanh quãng đường bắt buộc mỗi học viên phải thực hành hạng B2 lên tới 810 km với thiết bị giám sát quãng đường và người lái (DAT).

Học viên muốn được dự thi sát hạch để cấp GPLX bắt buộc phải có chứng chỉ đã thực hành đủ 810 km đường trường. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Phần đông độc giả tỏ ý đồng tình với việc siết chặt công tác đào tạo lái xe thông qua giám sát quãng thực hành trên đường trường bằng thiết bị DAT. Điều này giúp tăng tính minh bạch, hạn chế việc dạy và học gian dối, cắt bớt chương trình như kiểu đào tạo của một số cơ sở trước đây.

Độc giả Đình Nam bình luận: "Trước đây quy định bắt buộc lái 36 giờ đường trường nhưng lại không có phương tiện gì để giám sát, thế nên có người chỉ lái vào chục km là xong. Bây giờ siết chặt tất cả đều phải tập luyện rất kỹ là điều tốt. Thao trường đổ mồ hôi thì chiến trường ít đổ máu".

Cùng quan điểm như trên, độc giả Vũ Thành Chung viết: "Tôi ủng hộ quy định này, chất lượng đào tạo lái xe hiện giờ rất tệ, mà giao thông càng ngày càng phức tạp. Số 'giờ bay' của người học lái xe rất quan trọng, nên khi áp dụng bắt buộc học viên phải hoàn thành 810 km sẽ giúp người lái tự tin hơn rất nhiều, có GPLX là đi được ngay chứ không cần thuê người bổ túc mới dám ra đường".

Ở chiều ngược lại, độc giả Lê Minh Phương vừa trải qua một kỳ sát hạch cho rằng, việc bắt buộc học viên phải thực hiện 810 km là quá nhiều. Trên thực tế, những học viên như chị chỉ cần lái khoảng một nửa số đó là đã rất cứng tay rồi.

"Tôi nghĩ không nên quy định học viên phải lái đến con số 710 hay 810 km. Cái quan trọng nên đào tạo về xử lý tình huống trong phố và nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, còn chạy sà sã trên đường cho đủ 'KPI' vừa tốn thời gian, tiền bạc mà không thực chất", chị Phương nêu quan điểm.

Dưới góc nhìn bao quát hơn, Độc giả Trần Huy Mẫn chia sẻ: "Chúng ta thực sự cần quyết liệt điều chỉnh để chuẩn đầu ra của người học lái được nâng cao hơn, trong đó sử dụng thiết bị DAT là rất hợp lý. Có điều máy móc nên là máy chuẩn để hạn chế xảy ra trục trặc ảnh hưởng đến người dạy và học".

Với quãng đường thực hành bắt buộc đối với hạng B2 là 810 km như hiện nay, ông Mẫn cho rằng, nên quản lý theo hướng linh hoạt, tức là người học kém thì phải học nhiều, thậm chí có thể tăng gấp đôi lên hơn 1.600 km; còn người học nhanh và lái tốt nên giản tiện đi còn khoảng 400-500 km để giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc.

Trước đó, vào ngày 14/12, VietNamNet đã đưa ra khảo sát xung quanh quãng đường thực hành bắt buộc khi học lái xe và đã nhận được sự tham gia bình chọn của hơn 10.000 độc giả. 

Kết quả sau 1 tuần khảo sát về quãng đường trường bắt buộc thực hành khi học lái xe.

Kết quả cho thấy, 23% số người bình chọn đồng tình với quy định bắt buộc học viên phải thực hành lái xe 810 km đối với GPLX hạng B2 như hiện nay; 8% cho rằng, quãng đường thực hành chỉ cần ít hơn là đủ; chiều ngược lại, 18% độc giả tham gia bình chọn lại ủng hộ việc tăng quãng đường này hơn so với quy định hiện hành.

Đáng chú ý nhất, 50% số người tham gia khảo sát cho rằng không nên "fix cứng" quãng đường bắt buộc học viên thực hành lái xe mà nên có những cơ chế kiểm soát linh hoạt dựa vào năng lực của từng học viên.

Theo số liệu mới nhất được đại diện Cục Đường bộ Việt Nam thông tin tới VietNamNet, sau 6 tháng triển khai áp dụng giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của học viên bằng thiết bị DAT, có 38.383 xe tập lái đã lắp đặt và sử dụng thiết bị DAT, đang giám sát 561.138 học viên (trong đó 374.903 học viên đủ điều kiện dự sát hạch) với tổng số 11.307 khóa học và 5.170.177 phiên học thực hành lái xe.

Hoàng Hiệp

Theo bạn, chúng ta cần làm gì để nâng cao chất lượng của việc dạy và học lái xe? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!