Hiện nay, tình trạng các xe tập lái lưu thông một cách "bình đẳng" với các phương tiện khác trên đường diễn ra khá phổ biến, hệ luỵ là ở một số tuyến đường nhan nhản xe tập lái với đủ các kiểu đi khác nhau: chiếc đi chậm như rùa bò, chiếc lại vượt ẩu, tạt đầu xe khác; tốc độ thấp lại "lừ đừ" ở làn bên trái, chiếc lao vun vút lại bám sát vào làn khẩn cấp bên phải đường,...

Theo khảo sát tại Hà Nội, trên các tuyến đường như Đại lộ Thăng Long - Hoà Lạc - Hoà Bình, QL21 (Sơn Tây - Xuân Mai), QL 18, Bắc Thăng Long - Nội Bài hay QL5B, số lượng xe đeo biển "tập lái" chiếm số lượng khá đông đảo. Thậm chí có người còn nói đùa "Ở đường này, xe tập lái nhiều hơn xe bình thường".

Xe tập lái trên Đại lộ Thăng Long có số lượng khá đông đảo. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Thông tư 04/2022/TT-BGTVT quy định, từ ngày 15/6, người học muốn được cấp Giấy phép lái xe (GPLX) hạng B2 phải hoàn thành tối thiểu 810 km đường trường; "giờ bay" tăng từ 36 lên 40 giờ. Số lượng này tuy tăng không quá nhiều so với trước đây nhưng lại được quản lý chặt chẽ bởi với thiết bị giám sát người lái và quãng đường (DAT), do đó cả người dạy và người học lái xe đều có áp lực phải "học thật - thi thật" để đảm bảo điều kiện thi.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nghiêm Xuân Đỉnh - phụ trách đào tạo tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe LOD (Hà Nội) cho rằng, việc quy định học viên phải thực hành trên đường trường nhiều hơn (810 km với bằng B2, B1 số tự động và 710 km với hạng B1 số tự động) là cần thiết, giúp tăng trải nghiệm của học viên, tránh kiểu "dạy gian, học dối" bởi quãng đường đi được sẽ bị giám sát chặt bằng DAT.

Tuy vậy, điều này cũng làm mật độ tham gia giao thông của những xe tập lái dày lên đáng kể, đặc biệt là ở những tuyến đường gần các cơ sở đào tạo lái xe, đường cao tốc hoặc đường quốc lộ liên tỉnh,... Theo ước tính của ông Đỉnh, lượng xe ra đường có thể gấp 2-3 lần trước đây.

Một học viên đang thực hành ở đường trường với thiết bị DAT. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

"Về nguyên tắc thì những xe cho học viên tập lái chỉ được đi trên những tuyến đường ghi trên giấy phép do sở GTVT cấp. Nhưng khi bị "áp chỉ tiêu" phải chạy đủ tối thiểu 810 km đường trường và giám sát bằng DAT, nhiều người dạy muốn tiết kiệm thời gian đã tự ý cho học viên của mình điều khiển xe không phải trên những cung đường được cấp phép bất chấp rủi ro", ông Đỉnh chia sẻ.

Các chuyên gia về đào tạo lái xe cũng cho rằng, dù ở những xe tập lái đều bắt buộc có phanh phụ và thầy giáo ngồi ở vị trí ghế trước. Thế nhưng không chắc là tất cả các tình huống khẩn cấp đều có thể can thiệp một cách kịp thời, nhất là khi giáo viên liên tục phải "căng mắt" đi đến vài trăm km mỗi ngày. Do vậy, việc mất an toàn là điều khó tránh khỏi.

Trên thực tế, không ít tai nạn đã được ghi nhận được bởi nguyên nhân đến từ những chiếc xe tập lái, vốn được điều khiển bởi những người chưa có GPLX phù hợp. Thế nên, xe ô tô tập lái đã và đang trở thành nguồn gây nguy hiểm cao cho những người cùng lưu thông trên đường, thậm chí còn ít nhiều bị "kỳ thị".

Rất nhiều vụ tai nạn được ghi nhận gần đây liên quan đến xe tập lái, dẫn đến sự "kỳ thị" của không ít người. (Ảnh: L.Nam - Otofun)

Dưới góc nhìn của một người dân, chị Võ Thị Ngọc Anh (38 tuổi, hiện đang là giảng viên một trường đại học tại Hà Nội) cho rằng, một người đang tập lái xe còn hạn chế về khả năng quan sát và xử lý tình huống mà cho chạy ngoài đường cùng với các phương tiện khác đến hơn 800 km thì không khác gì làm hại người đi đường.

Chị Ngọc Anh thẳng thắn nêu ý kiến: "Hãy hình dung chúng ta đang có hàng nghìn học viên lái xe ra đường mỗi ngày, nếu ai cũng lái đủ 800 km thì tần suất xe tập lái trên đường dày đặc đến mức nào và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất cao. Còn với người đã biết lái xe (dù chưa có bằng) mà vẫn bắt chạy đủ 810 km mới đủ điều kiện để thi cấp giấy phép là lãng phí thời gian và hoang phí tài nguyên xăng dầu của quốc gia".

Theo nữ giảng viên đại học này, học lái xe cũng giống như đi học phổ thông, có người học giỏi - người học dốt, người nhanh trí - người chậm hiểu. Do vậy không nên áp dụng một mức sàn kiểu cào bằng đếm km như hiện nay mà nên có cơ chế kiểm tra, kiểm soát theo năng lực ngay từ khi học thực hành, giống như kiểm tra định kỳ của học sinh.

"Trong quá trình lái đường trường, học viên nào học ít hiểu nhiều, lái xe thành thạo có thể tạo điều kiện cho thi sát hạch luôn. Còn học viên nào yếu thì tất nhiên phải bổ túc thêm và chấp nhận mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc hơn. Như thế mới là công bằng!", chị Võ Thị Ngọc Anh bày tỏ quan điểm với VietNamNet.

LTS: Kể từ ngày 15/6/2022, khi Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch cấp GPLX có hiệu lực, việc học và dạy lái xe được siết chặt lại. Các trung tâm đào tạo, sát hạch phải ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo, sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe, tăng thời gian thực hành trên đường,...

Các xe ô tô tập lái đều phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT). Học viên bắt buộc phải hoàn thành 24 giờ lái xe thực tế với quãng đường 710 km với giấy phép hạng B1 số tự động; còn hạng B2 và B1 số sàn phải chạy đủ tối thiếu 40 giờ với quãng đường 810 km.

Sự thay đổi mạnh mẽ này là chủ trương đúng đắn để tránh tình trạng học hình thức, học sơ sài, đối phó, nâng cao chất lượng học và dạy lái xe. Tuy nhiên, thực tiễn học lái xe hiện nay đang nảy sinh không ít tình huống dở khóc dở cười. Đồng thời, vẫn còn nhiều ý kiến về vấn đề an toàn giao thông khi học lái trên đường cao tốc, đường trường,... 

Ban Ô tô xe máy mở Diễn đàn "Học lái xe: Làm sao để tránh bệnh hình thức?". Mời bạn đọc gửi bài viết về trải nghiệm học lái của mình hoặc bài góp ý kiến đến email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Hoàng Hiệp