Thay đổi một tư tưởng truyền thống thông qua giáo dục là sự thay đổi chậm nhưng chắc nhất. Tôi rất ấn tượng với một người thầy từng giảng rằng: “Nhặt được của rơi, trả người đánh mất” không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là vấn đề thuộc về pháp luật - “phải trả” chứ không đơn thuần là “nên trả”.

Trong một thống kê xã hội được công bố gần đây, có một thông tin hết sức đáng chú ý. Hơn 50% phụ nữ được phỏng vấn đồng ý để chồng đánh vợ nếu có lý do. Một số lý do nổi bật (được 28,2% phụ nữ chấp nhận) là: Đi chơi không nói với chồng, bỏ bê con cái, cãi lại chồng, từ chối quan hệ tình dục và… làm cháy thức ăn.

Bạo hành- bản thân nó là vi phạm pháp luật

Khi đọc thống kê này, tôi nghĩ tới một câu chuyện gây xôn xao trên mặt báo gần đây khi một người mẫu đăng lên trang cá nhân hình ảnh bị chồng đánh tới thâm tím mặt mày. Thế nhưng, cuối cùng cô vẫn ngụy biện cho hành vi này của chồng và đổ lỗi cho một nữ đồng nghiệp khác vì đã đơm đặt chuyện cô ngoại tình.

Bỏ qua sự lẫn lộn thật giả trong giới giải trí, hãy chỉ xem xét câu chuyện dưới góc độ một tình huống xã hội thuần túy. Có thể thấy, người mẫu này dù bị chồng bạo hành vẫn mang trong đầu suy nghĩ: Chồng có thể đánh mình nhưng phải… có lý do chính đáng. Một khi lý do đánh vợ không đúng sự thật thì lỗi là ở… người đưa chuyện.

Thử kể lại câu chuyện này với những người khác, chắc chắn không ít phụ nữ sẽ cho rằng đây là chuyện gia đình, không nên đưa lên mạng xã hội hoặc phán nước đôi rằng có lửa mới có khói. Diễn đạt cách khác, đó chính là sự thừa nhận quyền bạo hành vợ của đàn ông và lựa chọn giữ im lặng của nhiều phụ nữ.

Trong khi đó, hẳn sẽ có ít người nhận thức được rằng, dù người vợ có lỗi mười mươi đi chăng nữa, người chồng cũng không được phép đánh vợ. Bạo hành bản thân nó là hành vi vi phạm pháp luật và không có lý do chính đáng nào cho hành vi đó.

Nên nhớ câu chuyện trên được biết đến bởi nó xảy ra trong tầng lớp có đời sống cao đồng thời là tâm điểm của giới truyền thông. Còn ở những vùng nông thôn, có biết bao cảnh bạo hành diễn ra hàng ngày nhưng không được ai biết đến? Bao nhiêu người vợ nhẫn nhục chịu đựng sự bạo hành đó vì tin rằng chồng có quyền dạy dỗ vợ bằng vũ lực?

Đây không phải suy nghĩ cảm tính mà nó nhất quán với kết quả của cuộc điều tra nói trên: Phụ nữ ở những gia đình nghèo và trình độ giáo dục thấp lại có xu hướng chấp nhận việc chồng bạo hành của chồng nhiều hơn.

Ngay cả sự chia sẻ công việc nội trợ, cho đến nay điều đó cũng mới chỉ được chấp nhận ở những nơi dân trí cao. Tại các vùng quê, đa số người dân vẫn mặc định đây là công việc của phụ nữ. Đáng tiếc là, những người chấp nhận ngay từ trong tư tưởng với quan niệm đó lại chính là phụ nữ.

Đáng ngại hơn nữa là việc người phụ nữ dung dưỡng lối tư duy cam chịu đó và truyền nó sang thế hệ sau. Dù từng chịu đựng sự bạo hành của chồng nhưng không ít người, khi đã trở thành người mẹ, lại cổ súy việc con trai “dạy vợ” theo chính cách họ bị đối xử trước đây. Chính lối suy nghĩ ấy đã củng cố tư tưởng nam quyền vốn dĩ không nên còn chỗ đứng trong xã hội hiện đại.

Triết học đã chỉ rõ sự lạc hậu của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội. Dù chúng ta đang sống hưởng thụ một đời sống vật chất đầy đủ, giàu có hơn nhưng đời sống tinh thần vẫn chưa thay đổi kịp. Sẽ cần một thời gian dài để một xã hội, vốn quen với ý nghĩ chồng có lý do để đánh vợ, hiểu và chấp nhận rằng xâm phạm thân thể người khác bằng vũ lực là một hành vi phạm pháp kể cả trong quan hệ gia đình.

{keywords}
Ảnh minh họa

Chậm nhưng chắc

Để có thể đẩy nhanh được sự thay đổi, tất yếu phải thông qua con đường giáo dục và thực thi pháp luật.

Thay đổi một tư tưởng truyền thống thông qua giáo dục là sự thay đổi chậm nhưng chắc nhất. Tôi rất ấn tượng với một người thầy từng giảng rằng: “Nhặt được của rơi, trả người đánh mất” không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là vấn đề thuộc về pháp luật - “phải trả” chứ không đơn thuần là “nên trả”.

Đối với vấn đề bình đẳng giới, bạo hành gia đình, thiết nghĩ học sinh nên được tiếp cận sớm hơn tại nhà trường để các em có nhận thức đúng đắn ngay từ nhỏ. Cha mẹ cũng cần làm gương cho con cái tại nhà. Bởi một khi trong gia đình không có cảnh bạo hành, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tốt tới suy nghĩ và tính cách của con cái.

Phải thừa nhận rằng ở nước ta khoảng cách giữa tư tưởng pháp quyền và tư tưởng truyền thống còn rất xa. Một khi chấp nhận sống và làm việc theo pháp luật, chúng ta sẽ phải chấp nhận thay đổi rất nhiều trong suy nghĩ và hành động. Không chỉ có chuyện chồng bạo hành vợ mà những việc đã trở thói quen như cha mẹ dạy dỗ con cái bằng roi vọt cũng sẽ phải thận trọng.

Vì thế, cũng nên có những quy định pháp lý rõ ràng hơn về những vấn đề hiện nay vẫn còn nằm giữa ranh giới của vi phạm và không vi phạm. Việc bạo hành ở giai đoạn đầu vẫn được coi là “việc nhà”, cao hơn một chút mới xử lý hành chính cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nạn bạo hành vẫn còn nhức nhối.

Nên chăng pháp luật cần có những quy định chặt chẽ hơn để bên yếu thế có thể bảo vệ mình và cho phép hệ thống tư pháp can thiệp và bảo vệ họ kịp thời hơn kẻo đến khi sự việc đã nghiêm trọng thì đã quá muộn.

Tóm lại, việc phụ nữ thừa nhận “quyền đánh vợ” của chồng thậm chí còn đáng ngại hơn việc đàn ông tự cho mình quyền làm việc đó. Bởi thế, để đấu tranh với nạn bạo hành gia đình nói chung và việc chồng bạo hành vợ nói riêng, trước hết cần thay đổi tư duy của chính phụ nữ. Ngoài ra giáo dục và pháp luật sẽ là những nhân tố cần được chú trọng để thay đổi nhận thức và hành vi của con người.

Khương Duy 

---------

[1]: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/260171/hon-50--phu-nu-chap-nhan-cho-chong-bao-hanh.html