Chiều 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Ngày 3/8, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất cơ quan này chỉ thực hiện dự án nhà ở với tư cách là cơ quan chủ quản mà không phải trực tiếp với vai trò là chủ đầu tư dự án; đồng thời chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê. Các dự án này sử dụng nguồn vốn là tài chính công đoàn. Nhà ở cho thuê được quản lý vận hành như đối với nhà ở do Nhà nước đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành theo đề xuất này, vì sẽ bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người có thu nhập thấp.

Nhưng đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, dự thảo luật không không nên quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Bởi, vấn đề này chưa được đánh giá tác động kỹ về nguồn lực, có thể làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả thực hiện dự án, khả năng bảo toàn vốn. Mặt khác, với cơ chế như Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất (nguồn vốn là tài chính công đoàn, chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê, thu hồi vốn chậm) thì sẽ không có đủ nguồn lực đạt mục tiêu đến 2030 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế công đoàn.

Ngoài ra, đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, quá trình thí điểm thời gian qua (theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong luật.

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương không đồng tình quy định việc Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Ông cho rằng, cần nghiên cứu lại chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các tổ chức chính trị - xã hội, có nên làm chủ đầu tư nhà ở xã hội hay không. Việc này nên giao cho UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện làm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chiều nay.

“Tổng LĐLĐ Việt Nam không nên 'ôm' việc này, vì không khéo không hoàn thành nghiệm vụ, coi chừng cán bộ vi phạm”, Phó Chủ tịch Quốc hội đưa ra lời khuyên.

Ông Phương đặt vấn đề với tình hình tinh giản biên chế như hiện nay, Tổng LĐLĐ sẽ không đủ lực lượng để làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Theo ông, cơ quan này nên làm đúng chức năng nhiệm vụ của tổ chức chính trị xã hội là giám sát, phản biện xã hội, tham mưu chính sách công nhân cho tốt.

“Đại diện quyền lợi cho công nhân không phải bất cứ cái gì cũng làm”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng phải tính toán kỹ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cũng nên nghiên cứu lại.

Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc việc Tổng LĐLĐ làm chủ đầu tư nhà ở xã hội. Theo bà Nga, ngay việc cho thuê như đề xuất của Tổng LĐLĐ cũng cần có đánh giá tác động toàn diện.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Trong khi đó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết thực tế Tổng LĐLĐ đã làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội ở ngoại thành Hà Nội. Nên bà cho rằng quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là phù hợp. 

Tuy nhiên bà Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng đề án báo cáo để thuyết phục được Đại biểu Quốc hội.

Nhiều địa phương ủng hộ Tổng LĐLĐ

Phát biểu tại thảo luận, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Tổng LĐLĐ đã có buổi làm việc riêng với Ủy ban Pháp luật và nhiều lần làm việc với Bộ Xây dựng về quy định là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Về cơ sở lý luận và thực tiễn để đưa ra đề xuất này, theo ông Ngọ Duy Hiểu, công nhân, người lao động quan tâm nhất hiện nay là nhà ở, từ đây kéo theo một loạt vấn đề khác như điều kiện ăn ở, sức khỏe, chăm sóc con cái, thậm chí là những vấn đề an ninh an toàn….

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu 

Hiện nay nhu cầu về nhà ở rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, ông Hiểu cho rằng rất cần hệ thống pháp luật "có khả năng khai phóng" để  huy động các lực lượng xã hội. Trong khi đó, doanh nghiệp "chưa mặn mà" với nhà ở xã hội và Công đoàn cũng có nguồn kinh phí.

Về mặt thực tiễn, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai một số dự án ở các địa phương khác nhau, trong đó có khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam, đóng tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên, được thiết kế gồm 5 tòa nhà với tổng số 244 căn hộ. Ủy ban Pháp luật đã khảo sát thực tế, được chứng kiến điều kiện ăn, ở, cuộc sống… của người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, trong quá trình vận hành đến nay không phát sinh những vấn đề gì lớn. Các địa phương rất ủng hộ, đến nay đã có 36 địa phương giới thiệu địa điểm khu đất cho Tổng LĐLĐ, trong đó có 13 đơn vị đã phê duyệt quy hoạch chi tiết.

"Có thể thấy đầy đủ niềm tin, cơ sở để quy phạm hóa, đưa vấn đề Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân vào Luật Nhà ở (sửa đổi)", ông Hiểu nhấn mạnh.

Ông cũng chia sẻ: "Số lượng không nhiều nhưng chúng tôi vẫn mong muốn được xây dựng nhà ở cho công nhân để khẳng định với đoàn viên người lao động cả nước khi tham gia tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ có cơ hội được thuê nhà ở với giá phù hợp”.

Ông cho biết vừa qua khi đưa thông tin này ra thì đoàn viên người lao động cả nước rất phấn khởi.

Trần Văn Thường, Đặng Hoài Thanh, Phùng Thu Thủy, Nguyễn Thành Huế