Anh Benjamin Joon bị mất tích vào tháng 1/1981 khi mới 3 tuổi ở trạm xe buýt Suwon thuộc tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc trong lúc đi cùng người bố. Vừa đi vừa nắm tay nhau, nhưng chỉ một phút lơ đãng, họ đã lạc mất nhau. 

Đó là đoạn ký ức ngắn ngủi duy nhất mà anh Joon còn nhớ được trong 42 năm xa cách gia đình. 

Nam công dân Đức tìm thấy mẹ đẻ ở Hàn Quốc sau 42 năm được nhận nuôi ở nước ngoài. Ảnh: Benjamin Joon

“Người bố bị mù đã không thể tìm thấy tôi và cũng không báo cho mẹ tôi, vì họ không sống chung vào khoảng thời gian đó. Ai đó đã tìm thấy tôi ở trạm xe buýt và đưa tới hội trường thành phố Suwon”, anh Joon, nay đã 45 tuổi, chia sẻ với tờ Korea Times. 

Các quan chức ở thành phố Suwon đã đưa anh Joon tới Holt International, một cơ quan phụ trách nhận con nuôi ở địa phương. Chỉ 5 tháng sau, anh Joon được đưa tới một gia đình ở Đức để làm con nuôi. 

Dù xa quê hương Hàn Quốc hàng chục năm, nhưng anh Joon, người đang sống ở Berlin, vẫn không từ bỏ việc tìm kiếm cội nguồn. Anh đặc biệt nhớ mẹ, dù đã không được gặp mẹ từ năm lên 2 tuổi. 

Nỗi nhớ mẹ da diết

Nam công dân người Đức trở về Hàn Quốc lần đầu tiên vào năm 2019. Do không còn bất kỳ ký ức nào về tuổi thơ, chuyện tìm mẹ đối với anh Joon là không thể. Song với sự hỗ trợ của tổ chức phi lợi nhuận Liên kết nhận con nuôi nước ngoài trên toàn cầu (GOAL), anh Joon đã gửi mẫu ADN tới cảnh sát Hàn Quốc với hy vọng nhờ đối chiếu để tìm lại mẹ đẻ. 

Sau hơn 10 năm, vào tháng 7/2022, anh Joon bất ngờ nhận được thông tin từ cảnh sát Hàn Quốc thông báo có một người phụ nữ trùng 99% với mẫu ADN của anh này. 

Để xác minh, anh Joon đã gửi mẫu ADN tới Đại sứ quán Hàn Quốc ở Berlin, và sau đó được chuyển tới Cơ quan Pháp y quốc gia Hàn Quốc để giám định mối quan hệ vào tháng Một năm nay.

“Sau khi nhận được thông tin, tâm trạng tôi rối bời”, anh Joon nhớ lại mình vừa bối rối vừa phấn kích khi biết đã tìm lại được gia đình sau hơn 40 năm. 

“Liên lạc được với người thân qua thư điện tử và ứng dụng tin nhắn KakaoTalk, tôi mới cảm thấy thoải mái hơn. Và cuối cùng tôi đã được gặp họ trực tiếp, tôi cảm thấy hạnh phúc và bình yên”, anh Yoon nói. 

Vào ngày 16/3, anh Yoon đã lần đầu tiên được gặp người mẹ mà anh luôn thương nhớ suốt 42 năm. Bà năm nay đã 67 tuổi. Anh Yoon còn có một người anh trai (48 tuổi). Mẹ và anh trai của anh Yoon đang điều hành một nhà hàng ở thành phố Yeoju thuộc tỉnh Gyeonggi. 

Anh Joon (đứng ở giữa) gặp cơ quan chức năng Hàn Quốc sau khi được gặp trực tiếp mẹ đẻ và anh trai. Ảnh: Cảnh sát Hàn Quốc

Chưa từng từ bỏ tìm con

Trong hơn 40 năm con trai thất lạc, mẹ anh Yoon chưa từng từ bỏ hy vọng tìm thấy người thân. Anh luôn biết ơn mẹ đẻ, bởi cảnh sát Hàn Quốc có thể đối chiếu mẫu ADN vào năm 2022 là nhờ mẹ anh Yoon đã gửi mẫu ADN của mình tới Sở Cảnh sát Yeoju vào tháng Sáu năm đó. 

“Khi biết tin tôi bị mất tích ở bến xe buýt, mẹ đã luôn tìm kiếm tôi. Sau nhiều năm, bà vẫn tới đồn cảnh sát để hỏi chuyện họ đã tìm ra tôi hay chưa”, anh Joon kể. 

“Nếu như không được đối chiếu ADN, tôi sẽ không bao giờ tìm thấy gia đình của mình, bởi tôi không có chút thông tin nào về họ”, anh Joon khẳng định bản thân có cảm giác vô cùng thân thuộc với mẹ và anh trai, dù họ gặp phải rào cản ngôi ngữ và đã sống xa nhau nhiều năm. 

Anh Joon là con nuôi thứ 3 người Hàn Quốc tìm được mẹ ruột thông qua dịch vụ đối chiếu ADN do Bộ Ngoại giao, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia và Trung tâm Quốc gia về Quyền Trẻ em (NCRC) của Hàn Quốc triển khai vào năm 2020.

Trường hợp đầu tiên là vào tháng 10/2020, khi Yoon Sang-ae, một người Hàn Quốc được nhận làm con nuôi ở Mỹ đã may mắn được đoàn tụ với mẹ ruột sau 44 năm mất tích ở khu chợ Namdaemun ở Seoul. Trường hợp thứ 2 là một nguời Hàn Quốc được nhận nuôi ở Canada đã tìm được người thân vào tháng 7/2021.

Ba câu chuyện trên đang mang lại hy vọng cho hàng nghìn người Hàn Quốc được nhận làm con nuôi ở nước ngoài vẫn mong ngóng sớm tìm lại được cội nguồn. Trong thời kỳ cao điểm nhận con nuôi giữa các quốc gia vào thập niên 1970 và 1980, ước tính 200.000 trẻ em được gửi làm con nuôi ở Bắc Mỹ và châu Âu.