Khi mới 14 tuổi, Xiao Yun đã đã biến mất khỏi căn nhà ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, sau trận cãi vã kịch liệt với bố mẹ.

Tuy nhiên, vào tháng 11/2015 tức sau 10 năm và Xiao lúc này đã 24 tuổi, cảnh sát đã tìm thấy Yun trong quán cà phê ở thành phố Hàng Châu, cách nhà bố mẹ đẻ hơn 160km. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện Xiao đã dùng thẻ căn cước giả nên đưa về đồn để tiến hành điều tra. 

Cuộc đoàn tụ sau 10 năm của Yun với mẹ. Ảnh: Qianjiang Evening News

Trong quá trình thẩm vấn, Yun đã tiết lộ về quãng thời gian 10 năm sống lưu lạc trong các cửa hàng cà phê internet, nhà tắm công cộng. Mỗi khi không ăn, không ngủ và không phải làm việc, Yun lại vùi đầu hàng tiếng đồng hồ chỉ để chơi game CrossFire của Hàn Quốc.

Yun thừa nhận cô ta sống chủ yếu nhờ thức ăn mà các khách tới quán cà phê đưa cho, mỗi khi họ muốn xem cô chơi điện tử. Đôi khi Yun kiêm nhiệm vụ làm thu ngân cho các quán cà phê để kiếm thêm thu nhập. 

“Tôi đã bỏ nhà đi. Khi tôi cố gắng xin bố một ít tiền, bố mẹ đã không cho tôi, và họ nói tôi nói dối. Do đó, tôi quyết định bỏ trốn”, Yun thừa nhận hành vi bồng bột. 

Trong 10 năm xa nhà, Yun đã tới sống ở nhiều tỉnh thành trước khi tới thành phố Hàng Châu. 

Ban đầu, Yun còn quanh co nói dối rằng cô ta được ông bà nuôi để che giấu danh tính thật. 

Hành vi sử dụng thẻ căn cước giả đã khiến Yun bị cảnh sát phạt 1.000 Nhân dân tệ. Ban đầu, Yun cự tuyệt nối lại liên lạc với gia đình. Nhưng nhờ sự thuyết phục của cảnh sát, Yun cuối cùng đã chấp thuận đoàn tụ với người thân. 

Nói với Qianjiang Evening News, mẹ của Yun cho hay bà không dám thay số điện thoại kể từ khi con gái mất tích, bởi bà luôn hy vọng một ngày nào đó Yun sẽ gọi điện về nhà. 

Cha mẹ của Yun đã đến Hàng Châu để đón con gái. Họ thừa nhận gia đình gần như đã tuyệt vọng, bởi sau nhiều năm tìm kiếm vẫn không có bất cứ manh mối nào. Thậm chí, Yun còn bị chính quyền địa phương xóa tên khỏi sổ hộ khẩu của gia đình do đã vắng mặt quá lâu. Bố mẹ Yun khẳng định họ sẽ không đổ lỗi cho con gái, và thề sẽ không bao giờ cãi nhau với con. 

“Tôi là người cứng đầu và nóng tính nên thường xuyên quát mắng con. Nhưng 10 năm đã trôi qua và giờ con bé đã trưởng thành, tôi sẽ không bao giờ quát nạt con nữa”, người mẹ nói với Straits Times. 

Mẹ của Yun cho biết thêm, cách đó vài năm, khi ứng dụng trò chuyện trực tuyến WeChat trở nên phổ biến ở Trung Quốc, con gái đã kết bạn với bà thông qua tìm kiếm bằng số điện thoại cá nhân. “Tuy nhiên, con bé không bao giờ để tôi biết và tìm thấy”, người mẹ nhớ lại. 

Dù đã đoàn tụ với bố mẹ, nhưng việc Yun có trở về sống với gia đình hay không vẫn là câu hỏi bị bỏ ngỏ. 

Vào năm 2008, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phân loại nghiện internet là một chứng rối loạn lâm sàng nghiêm trọng. Vào thời điểm đó, Trung Quốc tuyên bố gần 1/5 thanh niên nước này nghiện internet.