Theo CNN, trong ngày 23/3, hai quan chức Mỹ ẩn danh tiết lộ, sau sự cố của chiếc MQ-9, Washington đã điều chỉnh đường bay của các UAV ra xa không phận bán đảo Crưm và khu vực phía Đông Biển Đen. Hai quan chức này nhận định, việc điều chỉnh nhằm tránh các sự cố có thể dẫn tới leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Nga.
Trước đó, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder khẳng định, Mỹ vẫn duy trì vận hành UAV trên không phận Biển Đen và không phận quốc tế. Theo ông Ryder, các UAV của Mỹ sẽ hoạt động theo luật quốc tế, nhưng từ chối chia sẻ chi tiết hơn về đường bay hay nhiệm vụ của các UAV này.
Theo trang web theo dõi các chuyến bay FlightRadar24, vẫn có một UAV RQ-4 Global Hawk của Mỹ hoạt động ở khu vực Tây Nam Biển Đen vào ngày 21/3.
Vào ngày 14/3, Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ đã thông báo về việc tiêm kích Su-27 của Nga "va chạm" với UAV MQ-9 của Mỹ, khiến máy bay này lao xuống vùng biển quốc tế ở khu vực Biển Đen.
Moscow sau đó đã lên tiếng phủ nhận thông tin của Washington, cho rằng UAV của Mỹ bị rơi khi thực hiện động tác ngoặt gấp trên không. Bộ Quốc phòng Nga cũng nhấn mạnh, "tiêm kích Su-27 không đụng độ với MQ-9 và không sử dụng vũ khí".
Sau vụ việc, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định, UAV của Mỹ sẽ tiếp tục bay qua Biển Đen bất chấp sự cố của chiếc MQ-9. "Mỹ sẽ tiếp tục bay qua không phận biển đen, chúng tôi không cần xác nhận từ Nga để bay qua vùng biển quốc tế”, ông Kirby nói.
>> Xem thêm tin quân sự trên báo VietNamNet