Theo Reuters, đây là một phần của gói viện trợ quân sự thứ 42 của Washington dành cho các lực lượng Kiev, trị giá 800 triệu USD. Nó đã nâng tổng số viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine lên tới hơn 40 tỉ USD kể từ khi cuộc xung đột với Nga bùng phát hồi cuối tháng 2/2022.

Binh sĩ Ukraine cầm một quả bom chùm đã được tháo ngòi nổ. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước báo giới ngày 7/7, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra quyết định dựa trên khuyến nghị “đồng thuận” từ đội ngũ cố vấn an ninh của ông.

Bom chùm hiện bị cấm ở hơn 120 quốc gia vì khi phát nổ, chúng phóng ra nhiều “quả bom” nhỏ ở diện rộng. Những quả bom chưa nổ này gây rủi ro nghiêm trọng đối với dân thường trong nhiều năm sau khi xung đột kết thúc.

Cả Mỹ, Nga và Ukraine đều không cấm loại vũ khí này. Tuy nhiên, Mỹ cấm xuất khẩu bom chùm với tỉ lệ hơn 1%, trừ khi tổng thống ra lệnh dỡ bỏ hạn chế.

“Ukraine đã có văn bản cam kết sẽ sử dụng bom chùm một cách cẩn thận để giảm thiểu các rủi ro cho dân thường”, ông Sullivan tiết lộ. Tổng thống Biden cũng mô tả quyết định cung cấp loại vũ khí gây tranh cãi cho Kiev là khó khăn, nhưng nhấn mạnh người Ukraine cần chúng cho chiến dịch phản kích.

Moscow đã cực lực lên án quyết định trên. Trong khi, các nhóm hoạt động xã hội và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ hoài nghi động thái của Washington.

Tổng thống Ukraine thăm một loạt nước NATO

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 7/7 đã thăm CH Séc, Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ một ngày sau các cuộc tiếp xúc ở Bulgaria nhằm tăng cường sự ủng hộ Ukraine gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này vào các ngày 11-12/7.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với người đồng cấp Slovakia Zuzana Caputova ở Bratislava ngày 7/7. Radovan Stoklasa/Reuters

Phát biểu sau cuộc gặp ông Zelensky, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố Ukraine xứng đáng được kết nạp vào NATO và Ankara sẽ tiếp tục đàm phán để chấm dứt xung đột.

Tại Prague, lãnh đạo Kiev đã nhận được lời hứa ủng hộ Ukraine gia nhập NATO "ngay khi xung đột kết thúc". Các chính quyền Sofia và Bratislava cũng đưa ra cam kết tương tự.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tái khẳng định quan điểm của ông rằng Ukraine rốt cuộc sẽ gia nhập khối. "Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của chúng tôi sẽ gửi một thông điệp rõ ràng rằng NATO đoàn kết và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga sẽ không đạt mục đích", ông Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo ở Brussels.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ các nước thành viên NATO sẽ đưa ra những đề xuất gì dành cho Kiev tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Lithuania vào tuần tới. Liên minh đang bị chia rẽ về tốc độ cấp tư cách thành viên cho Ukraine và sự lo lắng về bất kỳ bước đi nào có thể đưa NATO tiến gần hơn tới đụng độ với Nga.

Ông Zelensky thừa nhận, Ukraine khó có thể gia nhập NATO khi đang có xung đột với Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đe dọa trả đũa nếu viễn cảnh này xảy ra.

>>> Đọc tin thế giới mới nhất trên báo VietNamNet