Từ ngày 21 đến ngày 31/8/2022, sau khi hoàn thành đăng ký nguyện vọng đại học, cao đẳng, thí sinh sẽ phải truy cập vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tại địa chỉ https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn để nộp lệ phí xét tuyển cho các nguyện vọng đã đăng ký. 

Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT triển khai nộp lệ phí xét tuyển đại học, cao đẳng hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Chỉ thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT mới phải thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí.

Để đảm bảo giao dịch thông suốt, tránh quá tải cho hệ thống, trước đó Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến với 15 phương thức bao gồm ngân hàng, ví điện tử.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tính đến 17h ngày 29/8, đã có 342.000 thí sinh (chiếm 80% lượng đăng ký) hoàn thành việc nộp lệ phí trực tuyến. Trong đó, hơn một nửa số giao dịch thanh toán lệ phí xét tuyển được thực hiện bằng hình thức quét mã QR qua ví MoMo, tương đương hơn 172.000 giao dịch.

Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nộp lệ phí xét tuyển đại học, cao đẳng hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá từ giới chuyên môn, việc tổ chức xét tuyển và nộp lệ phí trực tuyến không chỉ giúp giảm thiểu chi phí xã hội mà còn là dịp để người dân làm quen với phương thức thanh toán mới, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức và kỹ năng số, thúc đẩy thanh toán trực tuyến trong xã hội.

Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã gia tăng cả về số lượng (69%) và giá trị (27,5%). 

Theo số liệu của NAPAS, tính đến hết năm 2021, đã có 120 triệu thẻ ngân hàng được phát hành tại Việt Nam. Trong đó 1,3 triệu thẻ được mở mới qua hình thức eKYC (xác thực điện tử). Hiện Việt Nam có hơn 40 đơn vị, tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép với khoảng 20 triệu tài khoản ví điện tử đang hoạt động. 

Một vài thống kê về tốc độ tăng trưởng thanh toán số tại Việt Nam. (Ảnh: Trọng Đạt)

Tính đến hết tháng 4/2022, thanh toán di động tại Việt Nam đã tăng 97,7% về số lượng giao dịch và 86,7% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước. Số lượng giao dịch thanh toán qua hình thức quét mã QR cũng tăng tới 56,6% về số lượng giao dịch và 111,6% về giá trị giao dịch.

Trong 3 năm đại dịch, hành vi của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Thanh toán không tiền mặt giờ đây xuất hiện mọi nơi trong cuộc sống của người dân. Có 2 nguyên nhân chính lý giải cho điều này. Thứ nhất do quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ; thứ hai là tác động đa chiều của đại dịch Covid-19 đã biến thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu. 

Trọng Đạt