HĐBA gồm 15 nước thành viên, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và 10 nước thành viên không thường trực do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm.

Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP

Tại một cuộc họp báo ở Moscow hôm nay (30/6), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ mong muốn mở rộng HĐBA để trao thêm quyền đại diện cho các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh nhằm phá vỡ “sự thống trị của phương Tây đối với thế giới”.

Reuters dẫn lời ông Lavrov nói: "Phần lớn thế giới không muốn sống theo các quy tắc của phương Tây".

Nhà ngoại giao hàng đầu Nga lặp lại cáo buộc lâu nay của Moscow rằng, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang cố gắng ngăn cản Nga và Trung Quốc hành động độc lập trong một thế giới đa cực.

Tại một hội thảo của viện nghiên cứu Chatham House ở London hôm 29/6, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cũng kêu gọi mở rộng HĐBA, với lí do các nước ở Nam bán cầu xứng đáng có tiếng nói mạnh mẽ hơn tại cơ quan này.

Ông Cleverly tin, hệ thống hiện tại không thể đứng vững khi trọng tâm kinh tế đang chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tỉ lệ dân số của châu Phi dự kiến tăng từ 18% lên 37% dân số thế giới vào năm 2100.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Anh đề nghị xem xét lại việc sử dụng quyền phủ quyết của 5 nước thành viên thường trực HĐBA. Ông lưu ý, các nước nghèo nhất thế giới đang cảm thấy tiếng nói của họ không được lắng nghe, ngay cả trong những vấn đề liên quan trực tiếp đến họ.

Theo báo Guardian, ông Cleverly mong muốn có đại diện thường trực của châu Phi tại nhóm G20 và HĐBA kết nạp thêm các nước thành viên là Ấn Độ, Brazil, Đức và Nhật Bản.