Bretton Woods là hệ thống tiền tệ quốc tế và các định chế tài chính có liên quan được lập năm 1944, sử dụng đồng USD thay thế cho một thước đo duy nhất để thanh toán tiền tệ quốc tế và lưu trữ dự trữ.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hiroshima, Nhật Bản hôm 21/5, ông Guterres cho rằng, cả Hội đồng Bảo an và hệ thống Bretton Woods đều phản ánh quan hệ quyền lực của năm 1945 và cần được cập nhật.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: UN Mission

Reuters dẫn lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: “Cấu trúc tài chính toàn cầu đã trở nên lỗi thời, rối loạn chức năng và không công bằng. Trước những cú sốc kinh tế từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, hệ thống đã không thực hiện được chức năng cốt lõi của mình là một mạng lưới an toàn toàn cầu”.

Ông Guterres đánh giá, tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 lần này, các nước đang phát triển ngày càng cho rằng quốc tế hiện chưa làm đủ để cải cách các thể chế lỗi thời hoặc "xóa bỏ sự thất vọng" của Nam bán cầu.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới hồi tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng hơn 6% trong năm nay và năm tới. Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF nhận định, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm tổng cộng khoảng 50% tăng trưởng thế giới trong năm 2023.

Trong khi, ảnh hưởng kinh tế của các nước G7 đã bị thu hẹp trong 30 năm qua và dự kiến chỉ chiếm 29,9% GDP toàn cầu năm nay, giảm mạnh so với mức 50,7% GDP toàn cầu vào năm 1980, theo thống kê của IMF.

“Chúng ta hiện sẽ xem tác động của các cuộc bàn luận được tổ chức tại Hiroshima là gì. Các thành viên G7 đã có thể thảo luận với một số nền kinh tế mới nổi quan trọng nhất trên thế giới”, ông Guterres cho biết.

Nhật Bản, nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, đã mời một số nhà lãnh đạo từ khu vực Nam bán cầu tới Hiroshima để dự họp.