- Với các nước TPP, Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với ô tô cũ với lượng ban đầu rất khiêm tốn là 66 chiếc, sau đó sẽ tăng dần lên mức 150 chiếc kể từ năm thứ 16.
Các cam kết thuế quan chi tiết theo từng ngành hàng, đối với từng thị trường trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vừa được Bộ Tài chính công bố cụ thể tại cuộc họp báo chiều 9/11.
Đối với mặt hàng ô tô, Bộ Tài chính cho hay, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực đối với các loại ô tô mới.
Riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3.000cc trở lên, Việt Nam cam kết mở cửa sớm hơn với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10.
Với các nước TPP, Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với ô tô cũ |
Đặc biệt, mặt hàng ô tô cũ, Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan với số lượng khá khiếm tốn. Ban đầu, Việt Nam sẽ chỉ chấp nhận lượng hạn ngạch được hưởng ưu đãi thuế là 66 chiếc, sau đó sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16. Cũng kể từ thời điểm này, thuế nhập khẩu ô tô cũ trong hạn ngạch giảm sẽ về 0%. Ngoài hạn ngạch, tức chiếc xe thứ 151 trở đi thì sẽ thực hiện theo mức thuế suất MFN trong cam kết WTO.
Ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết: "Không nước nào khuyến khích việc nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng. Tuy nhiên, trong TPP, nguyên tắc chung là cắt giảm thuế quan đối với mọi hàng hoá nên để bù vào việc này, chúng ta áp dụng cơ chế cấp hạn ngạch".
Hiện nay, việc nhập khẩu ô tô cũ về Việt Nam nói chung được quản lý khá chặt chẽ. Theo đó, tiêu chuẩn cho chiếc xe này vào Việt Nam là phải có thời hạn không quá 5 năm kể từ ngày sản xuất, được đăng ký thời gian tối thiểu 6 tháng và đã chạy được khoảng 10.000km trở lên. Các công ty nhập khẩu xe ô tô cũ bắt buộc phải là nhà phân phối chính hãng hoặc đại lý chính hãng của các hãng sản xuất ô tô.
Ngoài mặt hàng trên, các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ khác cũng có lộ trình xoá bỏ thuế nhập khẩu vào Việt Nam khá dài như rượu bia.. Việt Nam sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 3 đối với rượu sake, các mặt hàng còn lại xóa bỏ thuế vào năm thứ 11, một số loại vào năm thứ 12.
Nhóm ngành hàng công nghiệp thiết yếu khác như sắt thép, xăng dầu trong TPP khi nhập vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế chủ yếu vào năm thứ 11.
Còn lại, dệt may, giày dép, nhựa và sản phẩm nhựa, hóa chất và sản phẩm hóa chất, giấy, đồ gỗ, máy móc, thiết bị sẽ được Việt Nam xoá bỏ thuế phần lớn ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một số loại xóa bỏ vào năm thứ 4.
Phạm Huyền