“Những gì tôi làm tạm gọi là quá trình chữa lành mà bất kỳ ai cũng thực hiện được, là quay về sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, lắng nghe từng hơi thở, cảm nhận từng bước đi và ghi nhận các cảm thọ đang có mặt, hay nói đúng hơn là quay về học cách hiểu chính mình”, tác giả Thi Lâm chia sẻ với VietNamNet.

Theo Thi Lâm, người nào cũng đều trải qua ít nhiều đau khổ. Có những người nỗi khổ rất lớn, họ chìm xuống. Có những người chồng chất khổ đau nhưng không chìm, ngược lại mạnh mẽ hơn sau khi từng bước “trải nghiệm” và đi qua nó nhẹ nhàng. Và cũng có không ít người dù nỗi khổ không quá lớn nhưng chẳng đủ sức đối diện hoặc bị đánh gục chỉ sau một khó khăn bé nhỏ. Suy cho cùng, tâm thế đón nhận, xử lý những bất như ý quyết định việc một người nổi hay chìm nghỉm trong khổ đau của đời mình. 

Chiếc phao thiền tập đã giúp Thi Lâm, một nữ Phật tử vượt qua những chướng ngại gặp phải và chuyển hóa cả nỗi đau ẩn giấu sâu kín bên trong tàng thức. Mời gọi nỗi khổ lên "ngồi chơi" với mình, "làm việc" với niềm đau đang có mặt hoặc nấp đâu đó trong những vỏ bọc của mình chính là một cách sống trọn vẹn từng khoảnh khắc.

a 11 (1).jpg

 Thi Lâm dâng sách đến thầy Pháp Hòa - tác giả cuốn sách bán chạy, trở thành hiện tượng phát hành gần đây “Chia sẻ từ trái tim”.

Nữ tác giả tin rằng, để yêu đời, yêu người sâu sắc, chúng ta phải yêu thương bản thân đúng cách, sống một cách có ý thức, chánh niệm. 

“Khi bị cảm xúc tiêu cực chi phối, vết thương trong lòng sẽ càng ăn sâu và tâm hồn không còn đủ chỗ cho lòng vị tha, bi mẫn”, Thi Lâm bày tỏ.

Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức (nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh), giáo phẩm Hệ phái Nam tông Kinh, trụ trì chùa Huyền Không Sơn Thượng (Thừa Thiên Huế) nhận xét về cuốn sách Trọn vẹn từng khoảnh khắc (do NXB Công Thương và Thái Hà Books ấn hành) rằng: “Tôi rất đỗi ngạc nhiên. Một cô gái trẻ Việt sớm xa quê, lập nghiệp, có gia đình, chồng con ở xứ người lại có thể sử dụng ngôn ngữ Việt một cách rành rẽ đến không ngờ”.

Anh bia sách.jpg
Tác phẩm “Trọn vẹn từng khoảnh khắc” của Thi Lâm. 

Trưởng lão Giới Đức khuyến khích: “Chư vị độc giả cứ đọc đi, nhất là cư sĩ tại gia đang học Phật, tu Thiền. Có thể nói rằng, khi đi vào nội dung từng tiểu phẩm, chư vị sẽ bắt gặp mình ở trong đó như là một hành giả. Ngoài những liên tưởng, ví như khi đang xúc tuyết, càng xúc thì quả cầu tuyết càng lớn chẳng khác gì chủng tử của phàm phu càng lăn nhiều trong sinh tử thì càng nặng. Ví như 'giấc mộng bình sinh' hóa ra chỉ là 'vẫy vùng trong mộng mị bình sinh' đó thôi. Ví như trái tim ta mà tương tự nút Notifications trong điện thoại thì có thể bật, tắt cho những lần thương ghét… Tuy nhiên, những liên tưởng ấy dẫu hay nhưng chưa ấn tượng lắm.

Đọc thêm nữa, chư độc giả và tác giả sẽ cùng nhau chia sẻ thế nào là 'cô đơn hữu ngã' và 'cô đơn vô ngã'. Chia sẻ cách yêu những đóa hoa tươi thắm mà không phiền lụy khi hoa tàn úa. Sẽ biết cách xoay lưng một cái là buông bỏ mọi thứ sau lưng. Phải biết nghe pháp, thực hành pháp chứ đừng sống theo bản năng sinh tồn. Đừng đi nhầm giày của người khác…”.

Ngoài những tiểu phẩm chia sẻ Phật học và Thiền học, Trọn vẹn từng khoảnh khắc còn có “những bài pháp” dạy con rất nhẹ nhàng, chỉ như là gợi ý để các con tự ý thức chứ không cưỡng ép theo ý mình.

“Trong việc xây dựng gia đình thì bản thân phải cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với hiện tại thì mới có thể mang lại hạnh phúc cho người khác. Cho dù bản chất của cuộc sống luôn luôn chứa những điều bất toàn, bất trắc nhưng mình phải học cách chấp nhận, hiểu và cảm thông thì mới có thể xây đắp một tổ ấm hạnh phúc”, tác giả Thi Lâm bày tỏ.

350 trang sách đong đầy sẻ chia, các câu chuyện cuộc sống và cái nhìn tỉnh thức về cuộc đời, những biến cố, vô thường, giông gió (vốn dĩ). Sau tất cả, tác giả dành cho người đọc một khoảnh khắc lắng lòng để cùng ngộ ra: cuộc đời là những chuyến đi trốn khổ tìm vui, một tâm hồn cũ kỹ và các thói quen bất thiện phải bỏ lại sau lưng. Cuộc đời này, tất cả chỉ là cảm giác. Phải biết ơn từng hơi thở; Cân bằng cảm xúc và lý trí; Nên sống hồn nhiên như trẻ con…

(Ảnh: NVCC)