Hôm 13/6, trả lời các phóng viên chiến trường, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Ukraine đã mất hàng chục xe tăng, và hàng trăm xe bọc thép trong đợt phản công nhằm vào các vị trí của Nga. Ông nói thêm, quân đội của Kiev cho đến nay chưa đạt được thành công trên bất kỳ mặt trận nào. 

Hãng tin RT đưa tin, ông Putin cho hay các lực lượng Ukraine đã tấn công vị trí của Nga theo 4 hướng chính. Những lực lượng dự bị của Ukraine cũng đã tham chiến. Song nhà lãnh đạo Nga khẳng định, cuộc phản công đã khiến Ukraine thiệt hại lớn về cả nhân sự và khí tài.

Nga tuyên bố phá hủy nhiều phương tiện quân sự phương Tây gửi cho Ukraine để tiến hành phản công. Ảnh: Tass

Ông Putin cho biết, Ukraine đã mất “ít nhất 160 xe tăng, và 360 xe bọc thép”. Con số này chiếm từ 25% - 30% tổng số thiết bị quân sự mà phương Tây cung cấp cho Ukraine.

Ông Putin nhấn mạnh thêm, thiệt hại thực tế của Ukraine có thể còn cao hơn con số mà ông nêu ra. Về tổn thất nhân sự, ông Putin cho biết quân đội Ukraine mất nhiều hơn Nga “10 lần”. 

Cũng theo ông Putin, hiện chưa cần huy động thêm binh lính Nga chiến đấu ở Ukraine. Nhưng tất cả có thể thay đổi phụ thuộc vào những gì Nga muốn đạt được. 

Hồi năm 2022, ông Putin tuyên bố "huy động một phần" trong số 300.000 quân dự bị. Nhưng hiện tại, Bộ Quốc phòng Nga nhận thấy không cần thiết phải huy động thêm một đợt nữa.

Mỹ có thể chuyển đạn uranium nghèo cho Kiev

Tờ Wall Street Journal hôm 13/6 dẫn các nguồn tin cho biết, Mỹ đã sẵn sàng bật đèn xanh chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine, bất chấp lo ngại loại đạn này có thể gây tác động tiêu cực nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Wall Street Journal, "dường như không có trở ngại lớn trong việc phê duyệt loại đạn này". Các cuộc thảo luận nội bộ về vấn đề này cũng đã diễn ra trong vài tuần.

Lầu Năm Góc cho rằng, đạn uranium nghèo phù hợp với xe tăng M1 Abrams mà Washington đã hứa cung cấp cho Ukraine vào đầu năm nay. Theo dự kiến, M1 Abrams sẽ được bàn giao cho Kiev vào mùa thu. Theo Lầu Năm Góc, đạn uranium nghèo có khả năng xuyên giáp rất cao, và có thể giúp Ukraine tăng cường sức mạnh chống lại xe tăng Nga.

Tuy nhiên, một số quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại sử dụng đạn uranium nghèo có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe.

Hồi tháng Ba, Anh trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine. Vào thời điểm đó, Nga đã lên tiếng phản đối hành động của Anh. Đại sứ quán Nga tại London cáo buộc, Mỹ và các đồng minh sẵn sàng biến Ukraine “không chỉ thành trường bắn quân sự chống Nga, mà còn là bãi chôn lấp phóng xạ”.