Hãng tin RT cho hay hôm 25/4, ông Heappey xác nhận đạn DU dùng cho xe tăng Challenger 2 do Anh sản xuất đã đến Ukraine

“Chúng tôi đã gửi tới Ukraine hàng nghìn viên đạn dùng cho xe tăng Challenger 2, bao gồm cả đạn xuyên giáp uranium nghèo”, ông Heappey nói. 

Đạn uranium nghèo (DU) được NATO sử dụng trong đợt không kích ở Bosnia vào năm 1995. Ảnh: AP

Cũng theo ông Heappey, số đạn này “hiện nằm dưới sự kiểm soát của Các lực lượng vũ trang Ukraine (AFU)”, và Bộ Quốc phòng Anh “không giám sát các địa điểm AFU sử dụng số đạn DU ở Ukraine”. 

Khi được hỏi chính phủ Anh có chịu trách nhiệm "giúp làm sạch số đạn DU" được sử dụng ở Ukraine sau cuộc xung đột với Nga hay không, ông Heappey cho biết Anh "không có nghĩa vụ" phải làm như vậy. 

Ông Heappey tuyên bố những rủi ro về sức khỏe và môi trường do đạn DU gây ra là “thấp”. Song nghiên cứu gần đây lại cho thấy, loại đạn này có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe con người. 

Mỹ từng sử dụng rất nhiều đạn DU trong hai cuộc chiến ở Iraq. Một số nhà nghiên cứu cho biết đạn DU có thể liên quan đến một loạt dị tật bẩm sinh sau này ở Iraq.

Phương Tây biến Ukraine thành “bãi rác phóng xạ”

Moscow cho rằng, việc Anh cung cấp đạn DU cho thấy sự "tàn nhẫn" trong chính sách của phương Tây đối với Ukraine. 

Sau tuyên bố từ Quốc vụ khanh phụ trách các lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng Anh James Heappey về việc đã chuyển đạn DU cho Ukraine, Nga đã lên án và nhận định động thái này đánh dấu "sự leo thang toàn diện". 

“Rõ ràng là phương Tây có ý định biến Ukraine không chỉ trở thành trường bắn quân sự chống Nga, mà còn là một bãi chôn lấp phóng xạ với tất cả những hậu quả nghiêm trọng sau đó ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân địa phương, và môi trường trong khu vực”, Đại sứ quán Nga tại Anh tuyên bố hôm 25/4.

Cũng theo Đại sứ quán Nga, chính phủ Anh sẽ phải chịu trách nhiệm về tác động của "đạn dược độc hại", và không thể trốn tránh trách nhiệm bằng cách chuyển chúng cho các lực lượng Ukraine.