New START, hiệp ước cuối cùng còn lại nhằm hạn chế kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ, vốn đã rơi vào thế mong manh trước cả hôm 21/2 khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ tạm dừng tham gia hiệp ước

Reuters đưa tin, việc Nga tạm dừng tham gia New START nhưng không rút khỏi hoàn toàn khiến các nhà phân tích an ninh lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai nước, cũng như thúc đẩy các cường quốc hạt nhân khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan đẩy mạnh xây dựng kho vũ khí. 

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars RS-24 của Nga xuất hiện trong một cuộc duyệt binh. Ảnh: Cyprus Mail

Vào năm 2021, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đạt được thỏa thuận gia hạn New START với Nga đến tháng 2/2026. Thỏa thuận này tập trung vào việc giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Nga và Mỹ có thể triển khai.

Theo các chuyên gia hạt nhân, New START không có điều khoản cho phép bên nào "đình chỉ" sự tham gia như tuyên bố của Tổng thống Putin, mà chỉ có thi hành hoặc rút lui.

Trong khi đó, ông Putin nói rằng Nga sẽ chỉ nối lại các cuộc thảo luận với Mỹ một khi kho vũ khí hạt nhân của Pháp và Anh cũng được tính đến. Nhưng giới phân tích nhận định điều kiện của Nga sẽ không được chấp nhận, bởi nó sẽ dẫn tới chuyện viết lại toàn bộ nội dung hiệp ước New START.

Ông William Alberque tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng Moscow đã quyết định có thể tồn tại mà không cần tới New START, đồng thời tìm cách đổ lỗi cho Washington.

“Nga đã tính toán rằng hiệp ước sẽ chết và quy trách nhiệm cho Mỹ về phần thiệt hại”, ông Alberque nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Cũng theo Alberque, New START giới hạn số lượng đầu đạn trên mỗi tên lửa mà một trong hai bên có thể triển khai, do đó sự sụp đổ của hiệp ước có thể ngay lập tức làm nhân số lượng đầu đạn lên nhiều lần.

Theo ước tính của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, Nga có tổng cộng 5.977 đầu đạn hạt nhân, Mỹ có 5.428.

"Cả hai bên có thể ngay lập tức tăng từ 1.550 đầu đạn chiến lược được triển khai lên thành 4.000, và điều đó có thể xảy ra chỉ trong 1 đêm", ông Alberque nói thêm.

Bất ổn cực lớn

Ông Putin nói rằng quyết định tạm đình chỉ tham gia New START xuất phát từ việc Mỹ đưa ra yêu cầu “vô lý” kiểm tra các cơ sở hạt nhân của Nga. Theo ông, NATO đang hỗ trợ Ukraine tấn công kho hạt nhân của Nga. 

Tuyên bố của ông Putin ám chỉ cáo buộc trước đó của Nga cho rằng Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công vào tháng 12/2022 nhằm vào sân bay Engels nằm gần Saratov, cách thủ đô Moscow 730km về phía đông nam, và là nơi hoạt động của dàn máy bay ném bom chiến lược Nga. 

Dù không cung cấp bằng chứng cho cáo buộc trên, nhưng ông Putin nói rằng các chuyên gia NATO đã "hiện đại hóa" máy bay không người lái (UAV) để thực hiện tấn công. 

Phía Ukraine vẫn chưa lên tiếng xác nhận có phải là thủ phạm tấn công vào các mục tiêu nằm trên lãnh thổ Nga hay không. 

Ông James Cameron tại Dự án Hạt nhân Oslo cho rằng, nếu New START bị hủy bỏ, nó sẽ đánh dấu sự quay trở lại cách phỏng đoán về khả năng và ý định của đối phương theo kiểu Chiến tranh Lạnh.

"Một sự bất ổn lớn trong mối quan hệ khi mà cả hai bên đều hành động theo tình huống xấu nhất, bổ sung thêm các hệ thống và kế hoạch phức tạp hơn để sử dụng chúng, và cuối cùng dẫn đến bất ổn nhiều hơn cũng như gia tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Cameron chia sẻ. 

Cả ông Alberque và Cameron đều cho rằng khả năng Nga có thể nối lại các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong thời gian tới. 

Theo ông Alberque, Mỹ và Liên Xô cũ từng sử dụng các vụ thử hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh "để báo hiệu cho nhau khi họ nổi giận".

Còn theo ông Cameron, bất kỳ cuộc thử nghiệm hạt nhân nào của Nga cũng sẽ bị coi là động thái làm leo thang căng thẳng ở Ukraine, và là "nỗ lực báo hiệu sự sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân". Trong 12 tháng kể từ Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, ông Putin đã nhiều lần nhắc nhở phương Tây về việc Moscow có vũ khí hủy diệt hàng loạt, và mở rộng chiếc ô hạt nhân tới những khu vực ở Ukraine mà Nga đã giành quyền kiểm soát.   

Trong trường hợp New START sụp đổ, hoặc hai bên không thể gia hạn trước khi hết hạn vào tháng 2/2026, nó sẽ đánh dấu sự kết thúc của hiệp ước kiểm soát vũ khí kéo dài hơn nửa thế kỷ giữa Nga - Mỹ. Nó còn gửi tín hiệu đến các nước đang hoặc sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân như Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc.

“Tình huống sẽ có thể nguy hiểm hơn nhiều so với Chiến tranh Lạnh khi có thêm các nước tham gia chạy đua với số lượng nhiều hơn. Điều đó sẽ thật khủng khiếp đối với an ninh toàn cầu", ông Alberque nhận định.