Hôm 7/6, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý tiếp đón một phái đoàn gồm nguyên thủ các nước châu Phi tới Moscow để trình bày sáng kiến hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo hãng tin RT, kế hoạch trên được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa ông Putin với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Theo đó, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề liên quan đến "sáng kiến nổi bật của châu Phi", và "những lĩnh vực chính phát triển hơn nữa trong quan hệ đối tác chiến lược song phương".
Trước đó, sáu nhà lãnh đạo châu Phi đã quyết định tới thăm Moscow và Kiev vào giữa tháng này.
Văn phòng của Tổng thống Ramaphosa cho biết thêm, sau cuộc họp với những người đồng cấp, Ngoại trưởng của quần đảo Comoros, Ai Cập, Senegal, Uganda, Zambia và Nam Phi đã được giao nhiệm vụ "hoàn thiện những nội dung trong lộ trình hướng tới hòa bình", trước khi phái đoàn châu Phi tới Moscow và Kiev.
Ukraine chờ đảm bảo an ninh từ NATO
Cựu Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen tuyên bố, một số thành viên NATO có thể tình nguyện điều binh lính tới Ukraine, nếu Kiev không nhận được sự đảm bảo an ninh tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius của Lithuania vào tháng Bảy tới.
Ông Rasmussen cho rằng, Kiev nên được đảm bảo bằng văn bản về việc chia sẻ thông tin tình báo của phương Tây, chuyển giao vũ khí và huấn luyện chung quân sự, trước khi các nhà lãnh đạo NATO nhóm họp tại Vilnius.
“Nếu NATO không thể đồng thuận về một con đường rõ ràng cho Ukraine, có khả năng một số quốc gia sẽ có hành động riêng lẻ”, tờ The Guardian dẫn lời ông Rasmussen nói hôm 7/6.
Cựu quan chức NATO cho rằng, Ba Lan sẽ cân nhắc nghiêm túc việc tham gia và tập hợp một liên minh sẵn sàng hành động, nếu Ukraine không đạt được bất cứ điều gì ở hội nghị Vilnius.
Sau chuyến thăm châu Âu và Mỹ trong những tuần gần đây để giúp tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, ông Rasmussen lập luận việc triển khai quân đội nước ngoài sẽ là hợp pháp theo luật quốc tế, nếu Kiev yêu cầu.
Kiev đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022, nhưng kể từ đó vấn đề này đạt được rất ít tiến triển.
Nga coi việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Moscow cũng đã nhiều lần nhấn mạnh sự trung lập của Kiev sẽ là một trong những điều kiện quan trọng cho nền hòa bình lâu dài.