“Vấn đề khó khăn ở đây chính là cái giá về nhân mạng. Với chúng tôi thì điều này cực kỳ quan trọng, khi chúng tôi không thể chỉ thúc giục nhân lực tới đó và hy sinh. Đồng thời, tôi cũng không thấy khả năng binh sĩ Nga rút khỏi Kherson… Tôi nhận định đây là đòn tâm lý chiến. Quân đội Nga chưa sẵn sàng để rời Kherson. Nhưng đối phương biết rằng, nếu chúng tôi thành công thì họ sẽ không còn khả năng rút quân”, hãng tin CNN dẫn lời ông Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn hôm 27/10.

“Quân Nga biết rằng sẽ bị vây hãm nếu còn ở lại Kherson, bởi họ hiểu tình hình nguy hiểm tới đâu”, ông Zelensky nói thêm.

Ông Volodymyr Zelensky. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Khi được đặt câu hỏi về việc các quan chức do Nga bổ nhiệm ở Kherson gần đây phát động chiến dịch sơ tán người dân khỏi vùng chiến sự, thì ông Zelensky nói rằng đây là một “đòn nghi binh”. “Các binh sĩ tinh nhuệ nhất của Nga đã vào vị trí”, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết.

Trong khi đó, lãnh đạo thân Nga của vùng Kherson Vladimir Saldo tuyên bố rằng tình hình chiến sự tại đây “đang ổn định”. 

“Cường độ của các cuộc pháo kích cũng ít dần, trong khi các lực lượng vũ trang Ukraine không cố gắng tiến hành phản công. Cho tới nay, không có thay đổi nào lớn hay bất kỳ cuộc phản công nào ở tiền tuyến. Đại khái, tình hình trông có vẻ ổn định”, ông Saldo nói với CNN.

Hiện các hãng tin độc lập chưa thể xác minh những tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky lẫn từ phía quan chức thân Nga Saldo.

Mỹ lo chiến sự Ukraine leo thang

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, nước này có một số lo ngại nhất định về việc cuộc xung đột Ukraine có thể leo thang. “Chừng nào chúng tôi còn các kênh thông tin liên lạc mở và vẫn có thể thảo luận về những vấn đề quan trọng, thì tôi nghĩ rằng chúng tôi vẫn có cơ hội để kiểm soát sự leo thang”, hãng tin CNN dẫn lời ông Austin nói trong cuộc họp báo được tổ chức sáng 27/10.

Ông Austin cũng đưa ra nhận định về tình huống Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine sẽ có thể tạo ra kết quả là một sự phản ứng đáng kể tới từ cộng đồng quốc tế.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về tình huống Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là sự nguy hiểm và thiếu trách nhiệm. Nếu Nga sử dụng loại vũ khí đó, thì động thái này sẽ tạo ra khả năng thay đổi nhiều thứ trong cộng đồng quốc tế”, ông Austin nói thêm.

Ở một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài phát biểu thường niên ở Câu lạc bộ Đối thoại Valdai diễn ra sau đó đã nhắc lại học thuyết hạt nhân của nước này. 

“Học thuyết quân sự của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ. Do vậy, chúng tôi bác bỏ những tuyên bố nói rằng Nga đang tính sử dụng vũ khí đó ở Ukraine. Đồng thời, tôi cần phải nói rằng Moscow hiện đã sẵn sàng cho việc tái khởi động các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân với Washington. Dù vậy, các đề xuất của chúng tôi cho việc ‘ổn định chiến lược’ tới nay vẫn chưa được phía Mỹ phản hồi”, hãng tin Al Jazeera dẫn lời ông Putin.

Mỹ tăng cường kiểm soát vũ khí viện trợ cho Ukraine

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tối 27/10 (giờ Washington) cho biết, cơ quan này đang lên các phương án nhằm ngăn vũ khí viện trợ cho Ukraine rơi vào tay các lực lượng tội phạm hoặc chuyển sang các nước thứ ba.

“Cho dù chính quyền Ukraine đã cam kết bảo vệ những thiết bị quốc phòng được viện trợ một cách thích hợp, nhưng Mỹ vẫn cảnh giác về khả năng những loại vũ khí trên rơi vào tay kẻ xấu. Do vậy, kế hoạch dưới đây được đưa ra nhằm ngăn chặn khả năng trên có thể xảy ra ở một số giai đoạn”, ông Price nói với hãng tin CNN trong cuộc họp báo tổ chức ở Lầu Năm Góc.

“Trước tiên, chúng tôi sẽ tăng cường khả năng của các lực lượng an ninh Ukraine và những nước lân cận trong việc canh giữ vũ khí. Tiếp đó sẽ là tăng cường kiểm soát biên giới và an ninh ở Ukraine. Cuối cùng, chúng tôi sẽ nâng cao năng lực của Ukraine và các nước lân cận để phát hiện và ngăn chặn nạn buôn vũ khí bất hợp pháp”, ông Price nói thêm. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cũng đưa ra cảnh báo rằng, sẽ có nhiều “tổ chức tội phạm hoặc lực lượng vũ trang muốn thu thập lượng vũ khí viện trợ cho Ukraine trong và sau cuộc xung đột, giống như những gì đã xảy ra ở khu vực Nam Âu vào thập niên 1990”.

Theo CNN, tuyên bố trên được Lầu Năm Góc đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố về việc những loại vũ khí phương Tây chuyển cho Ukraine bắt đầu được đưa ra chợ đen. 

“Các nhóm tội phạm xuyên biên giới đã tích cực tham gia vào việc buôn lậu vũ khí đến các khu vực khác, và đó không chỉ là vũ khí cầm tay. Có một nguy cơ dai dẳng về việc bọn tội phạm có được vũ khí mạnh hơn, bao gồm cả hệ thống phòng không di động và vũ khí chính xác”, ông Putin phát biểu hôm 26/10.