Theo đài RT, trong số các nước thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chỉ Estonia và Lithuania tỏ ra hào hứng với ý tưởng đưa quân tới Ukraine, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố hồi cuối tháng 2 rằng mọi phương án phải được cân nhắc để ngăn Nga giành chiến thắng.

thu tuong estonia.jpg
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas. Ảnh: Anadolu

Trong phiên chất vấn trước Quốc hội Estonia hôm 13/3, một số nghị sĩ đã yêu cầu Thủ tướng Kaja Kallas bảo đảm rằng các thành viên Lực lượng Phòng vệ Estonia sẽ không được triển khai tới Ukraine.

Tuy nhiên, bà Kallas đáp: “Tôi không thể đưa ra các hứa hẹn như vậy vì hoàn cảnh có thể thay đổi. Theo cách hiểu của các bạn, có vẻ như sự can thiệp có thể được định nghĩa là bất cứ điều gì. Hỗ trợ quân sự của chúng ta cho Ukraine cũng có thể bị Nga coi là sự can thiệp”.

Nữ thủ tướng Estonia cho biết thêm, Tallinn “rõ ràng đã chọn bên” là ủng hộ Ukraine, vì coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp” đối với đất nước mình. Bà Kallas lưu ý, ở thời điểm hiện tại, Estonia dự định giúp huấn luyện binh lính Kiev, chứ không phải gửi quân đến tiền tuyến.

Estonia đang có khoảng 4.200 quân tại ngũ và về mặt lý thuyết có thể mở rộng thành quân đội thời chiến gồm 43.000 người. Quốc gia vùng Baltic này đã gia nhập NATO cùng với Bulgaria, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia và Slovenia vào năm 2004.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 13/3 cáo buộc tất cả các cuộc thảo luận về việc đưa binh lính tới Ukraine đều nhằm mục đích che giấu chương trình nghị sự thực sự của một số nước thành viên NATO muốn “phân chia những gì họ coi là tàn dư của Ukraine”.