Tuần này, Quốc hội tiếp tục họp tập trung từ ngày 20-29/11 sau thời gian nghỉ giữa 2 đợt.

Sáng nay (20/11), Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Ngày 21/11, Quốc hội dành cả ngày để nghe và thảo luận các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Ngày 22/11, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023. 

Quốc hội dự kiến sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án luật như: Luật Căn cước; Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.…

202311072126122275 dsc 4387.jpg
Quốc hội tiếp tục họp tập trung từ ngày 20-29/11. (Ảnh: Quốc hội)

Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua luật này tại kỳ họp 6. Dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp gần nhất của năm 2024.

Quốc hội sẽ thảo luận về một số dự án luật như: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi)…

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) giành được nhiều sự quan tâm của cử tri và ĐBQH, trong đó phương án rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là vấn đề nhạy cảm, tác động lâu dài đến lưới an sinh.

Chính phủ trước đó đã trình 2 phương án rút BHXH một lần.

Phương án 1: Rút BHXH một lần được giải quyết với hai nhóm lao động. Nhóm một là người tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và có nhu cầu thì được rút BHXH một lần.

Nhóm hai là người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau ngày 1/7/2025 sẽ không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định.

Phương án này không thay đổi so với dự thảo trước đây, tuy nhiên Bộ LĐTB&XH tính toán từ năm 2030 số người rút sẽ giảm một nửa so với giai đoạn qua, tiếp cận dần thông lệ quốc tế để lao động thụ hưởng tối đa quyền lợi khi đến tuổi nghỉ hưu.

Theo thống kê, kể từ khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 7 năm trước đã có hơn 4,5 triệu người rời hệ thống an sinh và chỉ có 1,3 triệu trong số này trở lại đóng tiếp.

Phương án 2: Lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ.

Chính sách áp dụng với lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm mà sau 12 tháng không thuộc diện tham gia khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện, muốn rút một lần.

Phương án này đáp ứng nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động và giữ họ ở lại hệ thống an sinh để hưởng lương hưu. 

Nội dung về rút BHXH sẽ được Quốc hội thảo luận vào ngày 23/11.

lao dong le anh dung 3 171.jpeg
Phương án rút BHXH một lần nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động. (Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng)

Trong tuần này, Quốc hội cũng sẽ thảo luận về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT, xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.

Chính phủ nhận thấy việc tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

Chính phủ đề nghị giảm 2% thuế VAT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%; đề nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế VAT sau thời điểm 30/6/2024.