CTCP xây dựng và phát triển đô thị Hòa Phát (một thành viên của Tập đoàn Hoà Phát - HPG) của ông trùm ngành thép Trần Đình Long vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên xin chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án khu công nghiệp.

Theo đó, Hòa Phát của ông Long muốn được nghiên cứu, lập quy hoạch dự án khu công nghiệp Tân Phúc quy mô 300ha và khu công nghiệp Bãi Sậy 300ha tại tỉnh Hưng Yên.

Doanh nghiệp của ông Long hiện cũng là chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Phố Nối A với qui mô 600ha, Khu công nghiệp Yên Mỹ II với quy mô 231ha tại tỉnh Hưng Yên và Khu công nghiệp Hoà Mạc với quy mô 203 ha tại tỉnh Hà Nam.

Đây là một động thái tiếp theo cho thấy, HPG của ông Trần Đình Long không chỉ đẩy mạnh đầu tư sâu vào ngành thép mà đang đẩy mạnh đầu tư vào một số lĩnh vực khác.

Sở dĩ, Hòa Phát quan tâm nhiều tới BĐS công nghiệp trong vài năm gần đây là bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài đang ồ ạt đổ vào Việt Nam. Xu hướng này có thể mạnh lên trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy cuộc chiến thương mại với Trung Quốc lên cao và châu Âu cũng như các tập đoàn châu Á đang nhanh chóng tìm đến Việt Nam.

Thông tin từ Chính phủ Việt Nam cho biết, ngày 25/6 Hội đồng châu Âu vừa phê chuẩn các hiệp định thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU. 

{keywords}
Ông Trần Đình Long.

Thông cáo mới nhất từ Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, cả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sẽ được ký kết vào ngày 30/6 tại Hà Nội.

Trước đó, hàng loạt các đại gia Việt cũng đã thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp trước cơ hội có 1-0-2 đến từ cuộc chiến thương mại do ông Donald Trump kích hoạt đối với Trung Quốc.

Trong tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2019, Tổng CTCP Viglacera (VGC) cho biết Viglacera sẽ mở rộng đầu tư vào BĐS công nghiệp. Viglacera sẽ triển khai đầu tư 2 khu công nghiệp mới gồm KCN Yên Mỹ (Hưng Yên) với diện tích 280 ha và KCN Yên Phong II-C (Bắc Ninh) với diện tích 221 ha. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ chuẩn bị thủ tục đầu tư KCN Đồng Văn IV mở rộng, KCN Thuận Thành (Bắc Ninh).

Nhiều doanh nghiệp BĐS công nghiệp khác cũng tính mở rộng đầu tư.

CTCP Phát triển Đô thị công nghiệp số 2 (D2D) trong 6 tháng qua chứng kiến giá cổ phiếu tăng gấp hơn 2 lần và đang tính phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100% để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Nguồn vốn phát hành lấy từ quỹ đầu tư phát triển theo BCTC năm 2018 đã được kiểm toán của công ty.

Hầu hết các cổ phiếu BĐS công nghiệp gần đây có diễn biến tích cực. Cổ phiếu mới lên sàn CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) tăng hơn 80% trong vòng 3 phiên sau khi lên sàn. Đây là một doanh nghiệp có 4 năm tăng trưởng lợi nhuận liên tiếp và hiện sở hữu 4 khu công nghiệp với tổng diện tích thương mại 2.280 ha, trong đó 2 khu tại TPHCM và 2 khu khác ở Tây Ninh và Đồng Nai.

Năm ngoái, Sacomreal của nhà ông Đặng Văn Thành cũng đã bất ngờ đổi tên thành TTC Land và lấn sân sang BĐS khu công nghiệp. TTC Land sở hữu Khu Công nghiệp Thành Thành Công (TTCIZ) tại Tây Ninh có quy mô 1020 ha, Khu Công nghiệp Tân Kim mở rộng tại Long An hơn 53ha.

Hàng loạt các cổ phiếu bất động sản công nghiệp (hạ tầng khu công nghiệp) khác như ông trùm Sonadezi (SNZ) tại Đồng Nai, Long Hậu (LHG),... đều tăng mạnh thời gian gần đây sau khi tổng thống Mỹ Donald nói về xu hướng nhà đầu tư sẽ rời Trung Quốc và tìm đến Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch ảm đạm. Tuy nhiên, một số cổ phiếu trụ cột, trong đó có nhóm cổ phiếu nhà ông Phạm Nhật Vượng: Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail ổn định giúp thị trường không giảm.

Một số cổ phiếu diễn biến tích cực khác gồm có: Vinamilk, Bảo Minh, Vietcombank,...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo SHS, tâm lý thị trường hiện tại rõ ràng là có sự thận trọng nhất định, nhà đầu tư có lẽ vẫn đang chờ đợi những thông tin từ cuộc gặp giữa Mỹ và Trung Quốc trong khuôn khổ G20 diễn ra vào cuối tuần này.

Dự báo, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại để hướng đến thử thách vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 965-975 điểm (MA50-cạnh trên kênh giá giảm từ tháng 3).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/6, VN-Index giảm 2,72 điểm xuống 960,13 điểm; HNX-Index giảm 0,63 điểm xuống 104,15 điểm và Upcom-Index tăng 0,05 điểm lên 55,2 điểm. Thanh khoản đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 4,0 ngàn tỷ đồng.

V. Minh