Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 20/8 đã chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập".

Hội nghị nghe nhiều ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn về vấn đề phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. Nhiều ý kiến phân tích, gợi ý, đề xuất định hướng, nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động.

Theo các ý kiến đánh giá chung, thị trường lao động Việt Nam cơ bản phát triển tốt, ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, có nhiều vấn đề đặt ra không thể giải quyết ngay, đó cũng là tất yếu của quá trình phát triển.

Nhiều câu hỏi "nặng cân" về lao động

Phát biểu kết luận, Thủ tướng đặt vấn đề: "Chúng ta cần tiếp tục đi tìm lời giải cho những câu hỏi vẫn đang trăn trở của nhiều người". Từ đây, Thủ tướng đặt ra hàng loạt câu hỏi: Vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân?

Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vì sao lực lượng lao động xuất khẩu của nước ta thu nhập bình quân thường thấp hơn một số nước trong khu vực, cạnh tranh quốc tế còn thấp? Vì sao người dân một số địa phương phải xa gia đình, con nhỏ, bố mẹ già, thậm chí bỏ đất đai, ruộng vườn để đi làm ở nơi khác?

Vì sao đời sống của một bộ phận công nhân ở các khu công nghiệp, thành phố lớn còn khó khăn, nhất là về vấn đề nhà ở? Vì sao vẫn còn những hiện tượng đình công ở một số khu công nghiệp? Vì sao kỹ năng người lao động Việt Nam còn thấp? Vì sao chúng ta cần Chiến lược phát triển thị trường lao động bền vững khi thời điểm dân số vàng còn đang hiện hữu?.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, thị trường lao động đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới. Thể chế thị trường lao động ngày càng hoàn thiện. Hệ thống thông tin thị trường từng bước đáp ứng được yêu cầu. Quan hệ lao động được thiết lập hài hòa, công bằng, hợp lý. Cung - cầu lao động được hình thành và kết nối trên các nguyên lý của thị trường.

Theo Thủ tướng, cầu lao động không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu ngành, nghề theo hướng hiện đại, từng bước tạo việc làm đầy đủ, bền vững hơn cho người lao động. Cơ hội việc làm tăng với việc hàng năm, thị trường lao động tạo thêm việc làm mới cho khoảng 1,6 triệu lao động.

Về cung, hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phát triển được chuẩn hóa, hiện đại hóa từng bước, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của thị trường lao động để phát triển nguồn nhân lực về số lượng, liên thông giữa các cấp trình độ, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

"Thị trường lao động trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cơ bản nhất trí với các hạn chế của thị trường lao động, Thủ tướng lưu ý, thị trường lao động chưa theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, chưa thích ứng đầy đủ được với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Thể chế phát triển thị trường lao động còn bất cập; chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ về giao dịch việc làm, quản lý chất lượng thị trường, các quy định về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động. Cân đối cung - cầu lao động chưa thật hiệu quả, bền vững dẫn tới chưa tiệm cận được năng suất tiềm năng (còn thiếu - thừa lao động cục bộ, làm việc không đúng ngành nghề đào tạo…). Lưới an sinh xã hội có độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao, mới thực hiện vai trò giá đỡ cho một phần của thị trường lao động....

"Chúng ta muốn có những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng KHCN, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến nhất thì phải đào tạo thường xuyên, đầy đủ và có đột phá để có được lao động chất lượng cao, làm chủ được công nghệ", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng phân tích, cần có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực nhà nước, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao để chính họ trở thành nguồn lực, động lực trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung lĩnh vực trọng tâm

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động, tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, coi lao động là hàng hóa đặc biệt để có cơ chế, chính sách phù hợp.

Thủ tướng chủ trì hội nghị

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hiệu quả, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao...

Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và lưới an sinh xã hội...

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần nắm bắt nhu cầu, phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm đang là ưu tiên hiện nay như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu… Tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch để mỗi người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất...

Chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau.

Thủ tướng nêu nhiều câu hỏi trăn trở về thị trường lao động. Ảnh: Hoàng Hà

Đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, xây dựng nhiệm vụ phù hợp, khả thi, hiệu quả cả ngắn hạn và dài hạn, đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao.

Thủ tướng lưu ý, cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém....Triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động ở khu công nghiệp và các thành phố lớn. 

Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường lao động thế giới.

Rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm.  

Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, cần đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động để phục vụ phục hồi nhanh, phát triển bền vững KTXH.

>>XEM TOÀN VĂN BÀI PHÁT BIỂU KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG TẠI HỘI NGHỊ: TẠI ĐÂY