Không quân và hải quân là hai lực lượng được đặc biệt quan tâm đầu tư hiện đại hoá. Bên cạnh đó còn là sự thành lập của các lực lượng quan trọng khác như tác chiến điện tử hay đặc nhiệm.

>> Xem lại Kỳ 1: 'Phát súng' cải tổ quân đội và tham vọng của ông Tập Cận Bình

Một kỷ nguyên quân sự mới đã mở ra với tầm quan trọng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ rô-bốt. Đó là lý do giải thích lựa chọn trọng tâm cải cách quân đội của Trung Quốc (PLA) xoay quanh khái niệm “cách mạng quân sự” (RMA).  

RMA không phải là một khái niệm mới, song khi được áp dụng thì lại mang những đặc trưng riêng. Cắt giảm quân số, đẩy mạnh vai trò của không quân và hải quân, xây dựng các lực lượng tác chiến điện tử hay áp dụng công nghệ rô-bốt đều là những bộ phận cấu thành trong nỗ lực cải cách quân đội lần này. 

{keywords}
Binh sĩ của Quân Giải phóng Nhân dân TQ. Ảnh: Reuters

Tầm quan trọng của RMA

Khái niệm RMA xuất phát đầu tiên từ Liên Xô, nhưng phải đến chiến dịch “bão táp sa mạc” mới được nâng lên một tầm cao mới. Sự thống trị của quân đội Mỹ thông qua khả năng vượt trội về mặt công nghệ làm suy giảm sức mạnh của quân đội Iraq. Các hệ thống vũ khí chính xác, định vị vệ tinh, cùng lực lượng không quân và hải quân mạnh mẽ của Mỹ đã khiến cho quân đội Iraq, vốn chủ yếu sử dụng vũ khí của Liên Xô và Trung Quốc, hoàn toàn bị tê liệt. Các chiến lược gia Trung Quốc do đó đã nghiên cứu kỹ lưỡng về cuộc chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất này. 

Có nhiều tranh luận xung quanh khái niệm RMA. Không ít học giả cho rằng RMA xoay quanh bản thân sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ quân sự. Một số khác thì xem sự linh hoạt và tính thích ứng của các học thuyết và cấu trúc quân sự đối với công nghệ mới là trọng tâm. Tựu chung lại, công nghệ đóng vai trò quan trọng. RMA về căn bản là sự kết hợp giữa các loại công nghệ phức tạp (rô-bốt, nano, công nghệ sinh học) và tập trung vào khả năng kết nối thông tin giữa tất cả các quân binh chủng, cũng như giữ chỉ huy và người lính trên chiến trường. 

Giai đoạn hiện đại hoá quân đội Trung Quốc lần thứ ba xoay quanh việc xây dựng một quân đội mạnh, với trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến để có thể giành ưu thế trong một cuộc chiến tranh khu vực có ứng dụng công nghệ cao. 

Vai trò lớn hơn của các lực lượng trên không và trên biển

Không quân và hải quân là hai lực lượng được đặc biệt quan tâm đầu tư hiện đại hoá. Bên cạnh đó còn là sự thành lập của các lực lượng quan trọng khác như tác chiến điện tử hay đặc nhiệm. Sự suy giảm quân số của Lục quân cho thấy rõ mức độ nghiêm trọng của các mối đe doạ từ đất liền ngày càng giảm. Con số 300.000 mà ông Tập đã nêu hoàn toàn có thể là con số cắt giảm từ lục quân để nâng cao chi phí đầu tư cho các quân chủng khác. 

Sự thay đổi cả về chất và lượng của không quân và hải quân Trung Quốc luôn được nhấn mạnh trong thời gian qua bởi cả truyền thông Trung Quốc và phương Tây. Kinh phí quốc phòng gia tăng hai con số liên tục suốt 10 năm là một nguồn lực quan trọng giúp đẩy nhanh quá trình này. Điều này phù hợp với việc Sách trắng Quốc phòng mới nhất của Trung Quốc đề cập mối đe doạ an ninh nghiêm trọng hướng biển như một trong hai xu hướng an ninh căn bản những năm sắp tới. 

Lực lượng tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân và các lực lượng đặc biệt liên tục được đầu tư và bổ sung các loại vũ khí mới. Tàu sân bay Liêu Ninh chính là biểu tượng của sự phát triển hải quân Trung Quốc. Tham vọng xây dựng nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay mạnh tương đương với Hạm đội 7 của Mỹ là một tham vọng có thật, và sẽ là trung tâm trong các chiến lược hải quân tương lai.  

Tham vọng này có thể được nhận diện qua nhiều mảnh ghép quan trọng. Sự xuất hiện trong tương lai của tàu ngầm lớp Tấn (có thể tấn công tới bờ Tây nước Mỹ bằng tên lửa đạn đạo JL-2), kế hoạch đóng tàu chiến tương đương AEGIS của Mỹ với hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, hay việc vận hành các máy bay chiến đấu trên hạm mới, chế tạo các loại máy bay tiếp dầu, máy bay vận tải và trinh sát mới và các loại máy bay không người lái là những ví dụ điển hình.  

Thông tin liên lạc, phối hợp và chỉ huy

Vũ khí hiện đại chỉ đóng một phần quan trọng trong RMA “mang đặc sắc Trung Quốc”. Mô hình tác chiến xưa cũ đòi hỏi một mạng lưới chỉ huy rộng khắp và đa dạng, “phân nhánh” càng sâu càng tốt để thông tin được truyền tải nhanh chóng và chính xác hơn. Tuy nhiên hiện nay, mô hình chỉ huy theo kiểu Xô-Viết này khó có thể áp dụng trong một cuộc chiến tranh toàn diện đa binh chủng sử dụng công nghệ cao. 

Tái cấu trúc lại mô hình chỉ huy và kiểm soát là trọng tâm thứ hai trong nỗ lực hiện đại hoá quân sự lần thứ ba của Trung Quốc. Kể từ Hội nghị Quân uỷ Trung ương được tổ chức hồi cuối năm 2013, nhiều đồn đoán đã nổi lên ngay từ chính Trung Quốc về các kế hoạch tái cấu trúc. 

Theo một số nhà phân tích, mô hình chỉ huy hỗn hợp của Mỹ sẽ được ông Tập Cận Bình học hỏi. Hợp nhất tất cả các bộ chỉ huy của không quân, hải quân, lục quân và nhị pháo có thể được coi là bước cải cách cấu trúc đầu tiên. Khả năng triển khai các chiến dịch hỗn hợp đa binh chủng sẽ được nhấn mạnh nhờ hệ thống chỉ huy thông tin tác chiến hợp thành dựa trên nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến. Các cải cách khác bao gồm tối ưu hoá cấu trúc, chức năng và giám sát chiến lược của các đại bản doanh hỗn hợp dưới quyền Quân uỷ trung ương.  

Như đã đề cập, vai trò của không quân và hải quân sẽ gia tăng và vai trò của lục quân sẽ dần suy giảm. Các quân khu cũng sẽ tái cấu trúc lại hệ thống chỉ huy cho phù hợp với tình hình mới (đồng đều hơn trong thành phần chỉ huy). 

Hiện đại hoá hệ thống thông tin liên lạc tình báo, giám sát là trọng tâm của quá trình hiện đại hoá trước đây, song cái thiếu vẫn là tính tích hợp. Các trung tâm tác chiến của TQ được nhìn nhận là cần được kết nối thông suốt với bộ chỉ huy trung tâm.   

Theo chuyên gia phân tích, năng lực của binh sĩ TQ cũng sẽ được nâng cao để phù hợp hơn với các hình thức tác chiến mới. Muốn như vậy, PLA cần điều chỉnh lại chương trình huấn luyện của mình, tập trung hơn vào các bài huấn luyện tác chiến hỗn hợp đa binh chủng, chất lượng chỉ huy và ra quyết định của sĩ quan, cũng như nâng cao tác phong binh sĩ. PLA cũng sẽ phải thay đổi sự cồng kềnh và lỗi thời trong hệ thống chỉ huy. 

Nguyễn Thế Phương

(Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM)

Xâm nhập mạng trong thời bình cũng là một phần của chiến tranh thông tin. Các thông tin nhạy cảm hoàn toàn có thể bị đánh cắp một cách dễ dàng nếu như các quốc gia không chú trọng vào phát triển an ninh mạng và an ninh hệ thống. Quan điểm về chiến tranh thông tin của Trung Quốc đứng từ góc nhìn của quốc gia yếu thế hơn, chứ không phải là quốc gia áp đảo hơn về công nghệ.

Trong khi đó, khái niệm RMA của Mỹ coi chiến tranh thông tin là cách thức giúp áp đảo đối thủ trên chiến trường. Điều này dẫn tới sự nguy hiểm của chiến tranh thông tin cấp độ khu vực của Trung Quốc. Lúc này, chiến tranh thông tin được sử dụng như một đòn tấn công phủ đầu nhắm vào tất cả các căn cứ của đối thủ tại một khu vực tác chiến cụ thể.