Tương tự với Iceland và Đan Mạch, TQ sẽ từng bước gia tăng các hoạt động thương mại và quan hệ đối tác ở vùng Bắc cực với Nga và dần dần làm cho nước này phụ thuộc kinh tế vào mình.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu Phần 2 bài tư liệu xung quanh hoạt động của TQ tại Bắc cực, đặt trong bối cảnh quan hệ với nước Nga.  

Nga xoay trục sang phía Đông

Nga luôn có lợi ích to lớn tại Bắc cực. Khi các khuôn khổ và diễn đàn về Bắc cực phát triển, Nga nhanh chóng kiểm soát các khu vực của mình. Cùng với bốn quốc gia có lãnh thổ nằm trong vùng Bắc cực (Hoa Kỳ, Canada, Đan Mạch và Na Uy), Nga đã ký tuyên bố Ilulissat năm 2008 khẳng định ưu thế nhà nước về các công việc liên quan đến Bắc cực.

Khi hợp tác phát triển năng lượng ở khu vực Bắc cực, Nga cũng thường xuyên đưa ra các ưu tiên rõ rệt cho các công ty năng lượng của phương Tây so với các công ty của TQ, hay bất kỳ đối tác nào khác.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận và căng thẳng giữa Nga - phương Tây năm 2014 đã làm thay đổi các toan tính của Nga, khiến nước này phải thận trọng mở rộng các đối tác và khách hàng năng lượng ra bên ngoài châu Âu, phương Tây. Và  TQ đang đói năng lượng đương nhiên là một đối tác của Nga.

Hoạt động thương mại năng lượng giữa Nga và TQ đã được xúc tiến mạnh từ giữa những năm 2000. Hai nước đã có thỏa thuận hợp tác các vấn đề chủ yếu về Bắc cực lần đâu tiên vào đầu năm 2013.

Cho tới nay, sự chuyển hướng sang phía Đông của Nga đa phần thành công, nhưng các biện pháp trừng phạt năm nay đang làm thay đổi các động lực của Nga. Nga đang lâm vào tình thế khó khăn hơn so với Iceland và Đan Mạch khi đàm phán với TQ về các vấn đề liên quan đến Bắc cực, như nhu cầu vốn và khả năng tài trợ.

{keywords}

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin trong một buổi ký thỏa thuận hồi tháng 3/2013. Ảnh: RIA Novosti

Cơ hội cho TQ

Thiếu các công ty phương Tây, Nga rất khó tìm nguồn tài trợ và công nghệ cần thiết cho các dự án ở Bắc cực. Liên quan đến vấn đề vốn, Nga đã thiết lập đối tác với TQ.  

Vùng biển Kara giàu tài nguyên, nơi đầu tiên phương Tây trừng phạt, do vậy mang lại lợi ích to lớn cho TQ. Exxon và Rosneft đã phối hợp phát hiện ra nguồn năng lượng khổng lồ vào khoảng 300 tỷ m3 khí tự nhiên và 750 triệu thùng dầu ở khu vực này. Sau khi hoàn tất các công đoạn quan trọng nhất, Exxon đã buộc phải từ bỏ dự án. Và TQ đã thay thế cho Exxon tiếp tục khai thác ở vùng này.

Một lý do là Nga đã bắt đầu thảo luận với TQ để chuyển các giàn khoan từ biển Đông đến biển Bắc cực thay thế cho các giàn khoan của phương Tây. Rosneft đang nghiên cứu các đề nghị hợp tác khai thác Bắc cực từ châu Á và đã ký hợp đồng bán cho TQ 10% một trong những mỏ dầu lớn nhất của Nga. Hành động này cho thấy Nga đã sẵn sàng hợp tác với TQ trong các dự án quan trọng có tầm quốc gia. Ngoài ra, TQ còn đang nhắm tới các vùng Pechora và biển Barents trong vùng Bắc cực thuộc Nga tiếp giáp trực tiếp với biển Kara.

Tuy không hoàn toàn vô hiệu hóa được các biện pháp trừng phạt của phương Tây, việc thiết lập quan hệ đối tác với TQ đã giúp Nga rất nhiều trong bối cảnh nước này đang cần một đối tác phù hợp, sẵn sàng hợp tác, có vốn và đủ năng lực tài trợ. Do vậy, quan hệ đối tác Trung-Nga ở Bắc cực đã củng cố và tăng cường các khuôn khổ hợp tác chống lại các sáng kiến quốc tế của phương Tây.

Tương tự với Iceland và Đan Mạch, TQ sẽ từng bước gia tăng các hoạt động thương mại và quan hệ đối tác ở vùng Bắc cực với Nga và dần dần làm cho nước này phụ thuộc kinh tế vào mình. Việc Nga thiếu các đối tác thay thế đã tạo thuận lợi cho TQ có nhiều lợi thế trong đàm phán, nước này đã chủ động khống chế các giao dịch năng lượng với Nga kể từ khi có khủng hoảng tại Ukraine.

Những lo ngại

Vấn đề lo ngại không phải là TQ sẽ giành được phần lớn các nguồn tài nguyên chưa khai thác ở Bắc cực nhờ lệnh trừng phạt của phương Tây, mà là sự nổi lên của TQ như một đối tác lớn, hùng hổ và quyết đoán tham gia vào các quan hệ vốn đã căng thẳng ở Bắc cực. Các quốc gia ở Bắc cực đang đưa ra các yêu sách xung đột đối với khu vực này, và việc tham gia của TQ chỉ làm cho xung đột thêm trầm trọng hơn trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang nóng dần lên.

TQ tự tuyên bố là một nước “gần” Bắc cực và là một bên thụ hưởng ở Bắc cực, thậm chí còn cho rằng biên giới phía Bắc của mình nằm sâu hơn 1.000 dặm vào phía Nam của vùng Bắc cực. TQ đưa ra yêu sách là nước này cần phải có tiếng nói trong các chính sách về Bắc cực và không đồng ý với việc chỉ mình các quốc gia ở Bắc cực giải quyết các vấn đề của Bắc cực.

Các quan chức và học giả có tên tuổi của TQ đã ủng hộ các quan điểm trên. Trưởng phòng châu Âu của Viện nghiên cứu quốc tế TQ cho rằng: “Các nước nằm sát Bắc cực như Iceland, Nga, Canada và một số nước châu Âu khác thường muốn Bắc cực là của riêng, hoặc muốn giành những đặc quyền khi khai thác vùng này, nhưng TQ khẳng định rằng Bắc cực thuộc về tất cả mọi người giống như mặt trăng”.

Tương tự, giám đốc cơ quan quản lý Nam cực và Bắc cực của TQ còn nêu cụ thể là: “Các nguồn tài nguyên của Bắc cực sẽ được phân bổ theo nhu cầu của thế giới và không thể là sở hữu của một số nước”.  

TQ đã trở nên ngày càng hiếu chiến hơn trong các vấn đề liên quan đến lợi ích “cốt lõi” của mình. Đặc biệt đối với Biển Đông, TQ đã đưa ra yêu sách trên biển vượt quá các quy định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển mà TQ là một bên ký kết.

Những hiện diện vật chất ngày càng gia tăng của TQ tại Bắc cực cùng với các tuyên bố mạnh mẽ của các quan chức hữu trách sẽ càng khuyến khích  TQ hình thành tư duy xem các hoạt động của mình tại đây là lợi ích cốt lõi. Việc xuất hiện một bên tham gia lớn mạnh như vậy vào các quan hệ quốc tế ở Bắc cực với nội dung vượt quá các hoạt động thương mại và đầu tư thông thường, trong đó bao gồm cả các yêu sách và quyền sở hữu sẽ càng làm cho các xung đột của các quốc gia trong khu vực này vốn đã căng thẳng lại càng gia tăng.

Cuối cùng, sự phụ thuộc kinh tế giữa TQ và các quốc gia trong vùng Bắc cực như Iceland và Đan Mạch sẽ có khả năng làm gia tăng thêm các xung đột và các vấn đề nêu trên. Khi nước Nga ngày càng bị cô lập, nền kinh tế bị tổn thương do lệnh trừng phạt, nước Nga có thể lâm vào hoàn cảnh như hai nước trên. Hỗ trợ của Nga cho các liên doanh và lợi ích của TQ ở Bắc cực chắc chắn sẽ gia tăng để đổi lại các khoản đầu tư và thương mại từ TQ, làm đẹp lòng đối tác quan trọng và duy nhất của Nga hiện nay./.

Mai Linh (Theo The Diplomat)

*Tác giả bài viết, Andreas Kuersten, là chuyên gia pháp lý của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.