Đối với các nhà hoạch định chính sách, công tác dự báo hỗ trợ việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ định hướng phát triển sản xuất. Trong khi đó, với người nông dân và doanh nghiệp, dữ liệu tập trung về thị trường giúp họ đưa ra các dự báo và quyết định đầu tư hợp lý trong tổ chức sản xuất, kinh doanh cũng như lựa chọn thị trường tiêu thụ.

Do vậy, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, chính xác cho cả cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã là cần thiết góp phần nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và sự phát triển bền vững cho nông sản Việt Nam.

Trung tâm dữ liệu tập trung ngành nông nghiệp, hay còn gọi là kho dữ liệu chung là một trong những mục tiêu cụ thể mà Việt Nam đặt ra từ giờ đến năm 2025, theo Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản” đã được chính phủ ban hành vừa qua.

Kho dữ liệu chuyên sâu hỗ trợ phân tích thị trường

Trung tâm dữ liệu được coi là nền tảng cho công tác phân tích và dự báo thị trường nông sản. Do đó, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, trong đó tích hợp đầy đủ công cụ, phần mềm phục vụ cho hoạt động thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sớm nhận diện các sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn.

Xây dựng kho dữ liệu chung về nông sản là nền tảng cho phân tích và dự báo thị trường. Ảnh: Thế Vinh

Trong đó, hệ thống mạng lưới cung cấp thông tin được duy trì kết nối liên tục với trung tâm dữ liệu đảm bảo tính thống nhất, chính xác và kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước, cá tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã.

Không chỉ vậy, kho dữ liệu tập trung còn giúp chuẩn hóa nguồn dữ liệu; thiết kế kiến trúc dữ liệu cho hệ thống thông tin thị trường nông sản đảm bảo thống nhất, đồng bộ, có khả năng liên thông, kết nối, chia sẻ để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thu thập thông tin, dữ liệu, phân tích và dự báo thị trường nông sản. Đảm bảo hệ thống thông tin thị trường nông sản được tích hợp trong tổng thể hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành nền tảng phục vụ chuyển đổi số của ngành nông nghiệp, phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

Tích hợp trí tuệ nhân tạo, công nghệ tiên tiến trong dự báo thị trường

Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo dự báo biến động cung - cầu vật tư, sản phẩm nông nghiệp. Đề án cũng tập trung giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản.

Cụ thể, ứng dụng công nghệ thông tin, các công nghệ, thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và tiềm năng.

Về thu thập thông tin, dữ liệu, xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ thu thập thông tin, dữ liệu về sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản (diện tích, sản lượng, năng lực chế biến, nhu cầu, giá cả, khối lượng, cơ cấu tiêu thụ sản phẩm, vật tư, nguyên liệu đầu vào…); ứng dụng công nghệ viễn thám để thu thập dữ liệu, thống kê diện tích, sản lượng đối với ngành hàng trồng trọt, lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ số trong thực hiện điều tra, thu thập thông tin, dữ liệu của các ngành hàng chăn nuôi, thủy sản.

Bên cạnh đó, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đa ngành (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương…) để thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu liên quan đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ phân tích, dự báo chuyên sâu, chính xác, kịp thời tình hình thị trường nông sản; xây dựng, vận hành các công cụ tiện ích, phần mềm cài đặt trên nền tảng thiết bị số để thu thập thông tin giá cả nông sản cập nhật hàng ngày trên phạm vi toàn quốc; ứng dụng công nghệ thông minh trong các công đoạn điều tra cơ bản, thu thập số liệu định kỳ của ngành nông nghiệp, thông tin thị trường nước ngoài, cập nhật chính sách thương mại của các nước trên thế giới.

Về phân tích và dự báo tình hình thị trường, xây dựng và tích hợp các tính năng, thuật toán thống kê, các mô hình kinh tế lượng phục vụ tính toán, phân tích và dự báo; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata) trong dự báo biến động về cung, cầu, giá cả vật tư, sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng công nghệ viễn thám trong dự báo năng suất, sản lượng đối với ngành hàng trồng trọt, lâm nghiệp.

Thế Vinh