Chiều 23/5, trước Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
Liên quan tới giá vé máy bay 0 đồng của các hãng hàng không, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, thực chất, không có vé máy bay giá “0 đồng” vì Thông tư 17/2019 của Bộ GTVT quy định rõ nguyên tắc định giá vé cho 1 vé máy bay, theo đó phải bao gồm các khoản thuế, phí theo quy định.
Mức giá 0 đồng là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định. Thời gian qua, một số hãng áp dụng giá “vé 0 đồng” như một hình thức ưu đãi, chỉ áp dụng cho một số ít ghế trong 1 chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng.
Tranh luận về giá sàn, giá trần vé máy bay
Quá trình thảo luận trước đây một số ý kiến góp ý không nên áp giá trần vé máy bay, do dịch vụ này chưa thật sự phù hợp tiêu chí Nhà nước định giá, không phù hợp với nguyên tắc thị trường. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá trần của Nhà nước thường rất chậm gây khó khăn, thua lỗ lớn cho doanh nghiệp, làm mất đi nguồn lực, tài nguyên, nguồn thu ngân sách.
Quy định giá trần nhưng không có giá tối thiểu dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh. Làm hạn chế kinh doanh phân khúc chất lượng cao, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa công bằng đối với các loại hình dịch vụ khác vì tàu hỏa, taxi đều do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tự định giá.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, quan điểm của Chính phủ là muốn giữ quy định giá trần và bỏ giá sàn với vé máy bay. Đa số ĐBQH đồng tình việc giữ quy định giá trần, bỏ giá sàn với vé máy bay.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc giữ giá trần và bỏ giá sàn vé máy bay là cần thiết. Nêu lý do, ông Lê Quang Mạnh cho biết, bỏ giá sàn nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh, giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không; giảm chi phí xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Việc bỏ giá sàn mở cơ hội cho doanh nghiệp cạnh tranh nhưng hoàn toàn không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có quyền cạnh tranh không lành mạnh vì doanh nghiệp có hạ giá bán thì vẫn phải tuân thủ các quy định tại Luật Cạnh tranh.
Việc bỏ giá sàn không gây tác động tới doanh nghiệp hàng không, thậm chí mang lại nhiều cơ hội cho người dân, thúc đẩy phát triển thị trường hàng không nội địa, tạo cạnh tranh. Từ đó, tăng số lượng người dân sử dụng dịch hàng không, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho các hãng hàng không, tăng thu ngân sách Nhà nước.
Cùng với đề xuất bỏ giá sàn, nếu không quy định giá trần thì Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá dịch vụ. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến xã hội.
Nếu khung giá có thời điểm chưa phù hợp với thực tiễn thì nguyên nhân là do khâu tổ chức thực hiện chưa kịp thời; không phải do quy định của luật. Vì vậy, trường hợp nhận thấy giá trần chưa phù hợp thì các đối tượng chịu tác động có quyền đề nghị Chính phủ kịp thời điều chỉnh.
Vì thế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bỏ quy định về giá trần là vấn đề lớn, thay đổi một chính sách quan trọng và theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng; trong khi chưa đánh giá tác động thì chưa đủ căn cứ sửa đổi.
Tại phiên thảo luận, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) giữ quan điểm đề xuất bỏ giá trần, giá sàn vé máy bay nội địa. Ông cho rằng nếu để giá trần, giá sàn sẽ không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết của Trung ương.
Ông Tạ Văn Hạ cho rằng, vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu, bởi tỷ trọng vận tải hàng không nội địa thấp hơn nhiều so với vận tải đường bộ hiện nay. Cũng như vận tải đường sắt, các hãng vận tải phải có sự cạnh tranh công bằng...
Theo tính toán của Cục Hàng không, giá nhiên liệu đã gây sức ép đối với các hãng hàng không, đặc biệt trong năm 2022 làm tổng chi phí tăng cao. Do đó, vấn đề giá vé máy bay cao trong giai đoạn cao điểm phản ánh đúng quy định thị trường và quy luật cung cầu.
Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Hạ cho rằng việc không quy định giá trần, giá sàn vé máy bay sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ kích cầu và khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ hàng không.
Làm rõ thêm ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: "Chúng ta giữ giá trần để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với dịch vụ hàng không, thúc đẩy KT-XH". Hiện có 6 hãng hàng không nội địa nên việc cạnh tranh giữa các hãng cần có quy định giá trần để đảm bảo sự quản lý của Nhà nước.
Về giá sàn, Bộ trưởng Tài chính nêu kinh nghiệm quốc tế, ở Trung Quốc và Ấn Độ năm 2013 đã bỏ, còn Mỹ áp dụng từ 1938-1978...Ông Phớc cũng nhấn mạnh, bỏ giá sàn cũng vì lợi ích của người dân và thúc đẩy phát triển du lịch.