Quan chức Mỹ ước tính rằng, việc xây dựng của TQ ở Bãi Chữ Thập có thể cung cấp một đường băng đủ dài cho hầu hết máy bay quân sự TQ.


Theo Thời báo Los Angeles, TQ đang xây dựng một chuỗi các đảo nhân tạo nhằm củng cố vị trí của mình trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Báo này cho biết, TQ đang xây dựng 5 đảo nhân tạo rõ ràng là để củng cố yêu sách chủ quyền ở vùng biển chiến lược quan trọng này. Hòn đảo lớn nhất gần như hoàn tất là ở Bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của VN.

{keywords}
Hình ảnh mô tả sân bay tương lai của TQ ở Đá Gạc Ma


Quan chức Mỹ ước tính rằng, việc xây dựng của TQ ở Bãi Chữ Thập có thể cung cấp một đường băng đủ dài cho hầu hết máy bay quân sự TQ. Bắc Kinh cũng được cho là đang xây dựng một cảng nhỏ trên đảo.

TQ cũng đang mở rộng các đảo nhân tạo ở những khu vực khác như Gạc Ma, Đá Châu Viên và Đá Ga Ven. "TQ dường như đang mở rộng và nâng cấp hạ tầng quân sự và dân sự gồm rađa, trang thiết bị thông tin vệ tinh, phòng không, súng hải quân, bãi đáp trực thăng và bến tàu - trên một số đảo nhân tạo”, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - TQ nhận định trong một báo cáo tháng 12/2014.

Theo báo cáo này, một khi đường băng đi vào hoạt động, quân đội TQ có thể sử dụng nó như “điểm khởi động” cho các hoạt động phòng không hỗ trợ tàu hải quân tại Biển Đông.

Báo cáo nhấn mạnh, sự hiện diện của đường băng này chỉ làm gia tăng căng thẳng và mất lòng tin trong khu vực - vốn đã khá phức tạp vì chồng lấn chủ quyền hàng hải.

Theo ông Saburo Tanaka, chuyên gia Nhật chuyên nghiên cứu về quân đội TQ, các đảo nhân tạo tại Biển Đông sẽ giúp cho TQ vừa có khả năng bao bọc tuyến tiếp tế bằng đường biển ở phía bắc eo biển Malacca, vừa có thể ngăn hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tiến vào Biển Đông từ biển Celebes.

Sự gây hấn của TQ trong vùng biển này đã khiến nhiều nước láng giềng phải lo toan rào giậu. Mỹ cũng đang tích cực ủng hộ Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong tuần tra ở Biển Đông. Máy bay Nhật gần đây chỉ thường xuyên tuần tra ở Hoa Đông nhưng Mỹ mong muốn Nhật sẽ mở rộng các chuyến bay giám sát ở Biển Đông. " "Tôi cho rằng, hoạt động của lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản ở Biển Đông sẽ có ý nghĩa thiết thực trong tương lai", Đô đốc Robert Thomas, chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ nói.

Hải quân TQ muốn kiểm soát Ấn Độ Dương

Theo tạp chí National Interest (Mỹ), Hải quân TQ đang chuẩn bị cho việc triển khai lâu dài đến Ấn Độ Dương và lên kế hoạch sử dụng các cảng “đa mục đích” như nơi cất giấu đạn dược bí mật và hỗ trợ các hoạt động quân sự.

Tạp chí Mỹ cho biết, TQ muốn chiếm ưu thế ở Ấn Độ Dương sau khi đưa tàu đổ bộ Changbaishan và một tàu ngầm hạt nhân đến khu vực. Nước này đã nỗ lực thiết lập vị thế người chơi hàng hải lớn ở Ấn Độ Dương bằng cách gia tăng các hoạt động chống hải tặc, tập trận hải quân, đầu tư vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng hàng hải. Các hoạt động này dẫn tới sự lo ngại rằng, Bắc Kinh sẽ theo đuổi chiến lược hàng hải quả quyết hơn trong tương lai.

Các tàu ngầm của hải quân TQ cập cảng ở Colombo (Sri Lanka) hai lần năm ngoái và TQ được cho là đã gây dựng những cơ sở quân sự ở nước này. Bắc Kinh cũng nắm giữ cổ phần kiểm soát cảng Hambantota phía đông nam Sri Lanka. Theo đó, các công ty TQ có quyền điều hành 4 bến tàu của cảng.

Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố các hoạt động này là một phần trong dự án Con đường Tơ lụa hàng hải, nhưng vẫn có những lo ngại rằng, TQ tìm cách củng cố “chuỗi hạt trai” bao vây Ấn Độ.

Thái An (theo Businessinsider, Wantchinatimes)