Trong những ngày qua, tại nhiều diễn đàn, những nhà đầu tư trót theo cơn sóng mua đỉnh cổ phiếu IDI của CTCP Đầu tư phát triển đa quốc gia I.D.I đang ngậm trái đắng. Từ đầu tháng 11, rất nhiều chuyên viên môi giới đã “phím” cổ phiếu IDI cho các nhà đầu tư với thông tin sẽ có nhiều tín hiệu tốt, mức giá kỳ vọng sẽ là trên mức 20.000 đồng/cổ phiếu dù lúc đó cổ phiếu này dưới mệnh giá, chỉ trên dưới 9.000 đồng/cổ phiếu.
Kể từ đó mã IDI làm nên tên tuổi trên sàn với việc liên tục đan xen giữa tăng trần và gần trần. Liên tục trong suốt tháng 11, mã IDI đã lên giá tới 25.000 đồng/cổ phiếu. Tăng đến hơn 170% chỉ trong 1 tháng. Thế nhưng ngay đầu tháng 12, nhà đầu tư đã ngỡ ngàng khi Chủ tịch HĐQT là ông Lê Thanh Tuấn, thông báo bán hết toàn bộ hơn 12,53 triệu cổ phiếu IDI tương ứng 5,51% mà ông đang nắm giữ và có quyền biểu quyết. Thông báo giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận thực hiện trong tháng 11 (từ 2-30.12).
Nhà đầu tư ngậm trái đắng vì lỡ lướt sóng cổ phiếu đầu cơ. Ảnh: Bảo Chương |
Tính theo giá trị ngày công bố trên 23.000 đồng/cổ phiếu thì ông Tuấn thu về trên 290 tỉ đồng khi bán được hết số cổ phiếu. Tuy nhiên, khả năng bán được hay không, có bán bán hay không thì cũng là điều mà nhà đầu tư đặt câu hỏi. Tuy nhiên, liền ngay sau đó là chuỗi ngày cổ phiếu này rơi thẳng đứng xuống giá sàn và không có ai mua vào.
Trong phiên sáng nay, phiên thứ 3 liên tục, cổ phiếu IDI bị bán giá sàn, giá cổ phiếu này tiếp tục giảm hết biên độ 7%, còn 19.050 đồng/cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư đã bức xúc cho rằng bị vào "bẫy" khi chủ tịch IDI công bố bán lúc nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ số lượng lớn với giá cao làm tâm lý họ bất an.
Tương tự như vậy là trường hợp cổ phiếu TNI của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam đã giảm sàn 4 phiên liên tiếp từ mức đỉnh 13.700 đồng/cổ phiếu, xuống 10.350 đồng/cổ phiếu. Không những vậy, các nhà đầu tư lỡ mua cổ phiếu TNI nhằm lướt sóng T+3 còn đau đớn hơn khi cổ phiếu về tài khoản thì họ không thể thoát hàng vì những phiên tắc sàn số lượng lớn. Đơn cử như phiên 2.12, TNI dư bán sàn 10,9 triệu cổ phiếu không ai mua.
Hay như trường hợp cổ phiếu LIC của Tổng Công ty Licogi với chuỗi 15 phiên tăng trần nóng với tỷ lệ hàng chục lần từ 14.700 đồng/cổ phiếu lên 146.700 đồng/cổ phiếu chỉ trong hơn 1 tháng qua tương ứng hơn 2500%. Và liền ngay sau đó là cú dội gáo nước lạnh tạt cho những ai lỡ đu đỉnh khi liên tiếp giảm sàn mạnh và hầu như không cho nhà đầu tư đã đu theo sóng cơ hội thoát hàng khi cổ phiếu mất thanh khoản, hàng trăm nghìn cổ phiếu dư bán sàn.
Một số chuyên gia cho rằng với trường hợp của cổ phiếu IDI, việc công bố bán ra của lãnh đạo cũng không phải là quá đặc biệt. Đây là ví dụ điển của một vài doanh nghiệp trên sàn gần đây bị lãnh đạo công ty bán ra cổ phiếu khi giá tăng mạnh.
Theo TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư của Quỹ DG Investment thì đây là bài học cho nhà đầu tư trước khi xem xét mua vào các cổ phiếu đầu cơ, tăng giá không có lý do. Còn về câu hỏi của nhà đầu tư cho rằng có hay không “chiêu trò” của lãnh đạo doanh nghiệp thì chỉ có cơ quan chức năng mới kiểm tra được. Lời khuyên mà những chuyên gia đưa ra cho các nhà đầu tư trong thời điểm này đó là không nên có thói quen mua theo các cổ phiếu có dòng tiền đầu cơ với lời khuyên không bao giờ thừa đó là tránh "mua đỉnh bán đáy".
(Theo Lao Động)
Chuyện chưa từng có: Cả năm không giao dịch, cổ phiếu tăng 5 lần trong 2 tuần
Cổ phiếu TAG của Thế giới Di động (MWG) tăng trần 12 phiên liên tiếp từ mức giá 16.200 đồng lên 80.700 đồng/cp. Đây là hiện tượng chưa từng có với một cổ phiếu mà trước đó gần như không có giao dịch trong cả năm trời.