Hai chuyên gia nghiên cứu và phân tích chính trị Mỹ: Đại sứ Phạm Quang Vinh và PGS.TS Tạ Minh Tuấn (Học viện Ngoại giao) trao đổi trong talkshow trực tiếp tối qua. 

Cả thế giới dõi theo nước Mỹ 

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, nước Mỹ từ ngày 3/11/2020 tới nay là câu chuyện của chia rẽ và phủ nhận kết quả bầu cử. Đỉnh điểm là cuộc bạo động ngày 6/1 rồi tại tòa nhà Quốc hội, gây nên một bầu không khí vô cùng bức bối. Cả nước Mỹ lên án lãnh đạo chính trị của cả hai phía. 

Vụ bạo động đó một mặt cho thấy sự phân cực, sự bất lực của các thiết chế trong lòng nước Mỹ, nhưng mặt khác cũng đặt ra nhu cầu phải tái lập trật tự, tái lập các thiết chế dân chủ của Mỹ. Điều đó rõ ràng cho thấy một nước Mỹ không hề yên ả. 

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh

Cả thế giới đều quan tâm đến tình hình chính trị Mỹ bởi nước này có một vai trò toàn cầu rất lớn. 

Thứ hai, khi xảy ra cuộc bạo động ở tòa nhà Quốc hội, điều mà người ta quan tâm là nền dân chủ Mỹ có đứng vững hay không, khi mà nước Mỹ dường như đang là nền tảng, mẫu hình cho nhiều nước khác noi theo về quản trị kinh tế, về quản trị xã hội, về đề cao các giá trị về dân chủ, con người... 

Thứ ba, người ta trông đợi Tổng thống mới của Mỹ sẽ mang đến những chính sách như thế nào. 

Về phần mình, TS Tạ Minh Tuấn khái quát hóa tình hình nước Mỹ hiện nay bằng 3 cụm từ: Căng thẳng, chia rẽ, và vị thế suy giảm. 

Về cụm từ thứ nhất, nước Mỹ đang đối mặt với đại dịch Covid-19 rất nặng nề. Hiện Mỹ có 24,8 triệu người bị mắc bệnh, trong đó 411.500 người đã tử vong. Và con số này vẫn đang tăng mỗi ngày. 

Thứ hai là về kinh tế. Kinh tế đình đốn, suy thoái, hàng chục triệu người mất việc làm, hàng trăm nghìn doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, khiến đời sống của người dân rất khó khăn, tạo ra sự bất ổn trong xã hội. 

Nguyên nhân thứ ba ít được nhắc đến, đó là chủ nghĩa dân túy độc đoán đang gia tăng rất mạnh ở Mỹ. Cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội chính là một biểu hiện. Thứ chủ nghĩa này đã tạo ra căng thẳng trong xã hội, đe dọa nền dân chủ hơn 240 năm của Mỹ. Và cuối cùng, niềm tin vào giới truyền thông, niềm tin vào khoa học và các thiết chế đã bị xói mòn rất lớn. 

Về sự chia rẽ, một bên là 74 triệu phiếu bầu của ông Donald Trump, một bên là 81 triệu phiếu bầu của ông Joe Biden. Điều đó thể hiện hai luồng quan điểm hoàn toàn khác nhau, đối chọi rất mạnh. 

Vấn đề cuối cùng là vị thế suy giảm. Đặc biệt là bên ngoài nhìn vào nước Mỹ, người ta sẽ cảm thấy vô cùng kinh ngạc trước sự kiện 6/1. Các đồng minh, bạn bè sẽ đặt ra câu hỏi liệu họ có thể tin cậy và dựa vào một siêu cường như Mỹ hay không, khi mà chính bản thân nền dân chủ lâu dài như vậy, một biểu tượng dân chủ như thế còn bị công kích, bị tấn công.  

Người Mỹ đang trông đợi một sự thay đổi, một sự mới mẻ, một sự hàn gắn lại những chia rẽ. 

Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ như một ngày hội 

Trực tiếp tham dự lễ nhậm chức Tổng thống của ông Donald Trump,  Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết, ngày 20/1/2017, Đại sứ của các nước đều được mời đến dự

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh dự lễ nhậm chức của ông Donald Trump năm 2017

"Ngay từ sáng sớm, chúng tôi phải tập trung ở Bộ Ngoại giao, kiểm tra an ninh, chuẩn bị xe cộ và ăn nhẹ trước khi ra tòa nhà Quốc hội và có chỗ ngồi riêng. Lễ nhậm chức của Tổng thống như một ngày hội, một biểu tượng của nước Mỹ. Thời khắc năm 2017 rất khác bây giờ. Lúc đó, hàng triệu người đổ về thủ đô để chúc mừng ngày chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống cũ và Tổng thống mới", Đại sứ chia sẻ.

Các cựu Tổng thống, kể cả Tổng thống vừa mãn nhiệm Barack Obama và phu nhân, cựu Tổng thống Bill Clinton và phu nhân Hillary Clinton, người vừa thất cử, cũng đều dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Donald Trump. 

Năm nay, mọi chuyện khác hẳn. Lực lượng an ninh triển khai dày đặc trước những cảnh báo về an ninh, bao gồm cả nguy cơ quá khích và bạo loạn. Dịch bệnh chưa được kiểm soát và rất nặng nề, khiến việc giãn cách xã hội vẫn phải tiếp tục. Nhà chức trách chỉ mời hơn 1.000 người đến dự tại tòa nhà Quốc hội và cắt giảm rất nhiều những nghi thức khác. 

Chặng đường phía trước của hai vị Tổng thống 

Theo TS Tạ Minh Tuấn, ông Trump đã tuyên bố sẽ không quay lại lần hai, ám chỉ việc ông sẽ không tái tranh cử, có nghĩa là con đường chính trị của ông hầu như đã kết thúc.

Điều thứ hai, ông Trump giờ phải phụ thuộc rất nhiều vào việc luận tội như thế nào. Thứ ba là sau khi rời Nhà Trắng, ông Trump sẽ phải đối mặt ngay với nhiều vấn đề liên quan đến các cáo buộc về gian lận thuế từ trước. Ông cũng sẽ phải đối mặt với việc rất nhiều đồng minh, bạn bè thân tín, kể cả những người ủng hộ tiền bạc, ủng hộ về mặt chính trị, sẽ quay lưng lại sau ngày 6/1. 

{keywords}
Tiến sĩ Tạ Minh Tuấn

Viễn cảnh sắp tới sẽ khá mờ mịt đối với ông Trump. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, dù vị trí của ông trong đảng Cộng hòa và với người dân Mỹ đi xuống nhiều nhưng còn rất lớn.

Còn với ông Biden thì rõ ràng, con đường phía trước vô cùng khó khăn, đặc biệt là 100 ngày đầu tiên. Với tất cả những vấn đề nêu trên, điều khó nhất đối với ông là thực hiện lời hứa sẽ trở thành Tổng thống của tất cả người Mỹ.

Để hàn gắn sự chia rẽ, một việc nữa phải làm ngay, đó là chống Covid-19. Ngay sau khi nhậm chức, ông Biden sẽ ký ngay 17 chỉ thị và các văn bản hành pháp, trong đó có nói về việc chống Covid-19 là điều phải làm ngay.

Tiếp đến là phát triển kinh tế và xử lý các vấn đề liên quan đến đối ngoại. “Như tôi đã nói ở trên, hình ảnh của nước Mỹ về mặt đối ngoại đã đi xuống rất nhiều. Ông Biden phải giải quyết vấn đề đấy trong chặng đường 100 ngày tới, sẽ rất bề bộn và khó khăn”, TS Tuấn nhấn mạnh. 

Tuần Việt Nam

Định vị Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden

Định vị Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden

Đối với chính sách đối ngoại chung của ông Biden, khẩu hiệu lớn nhất là lấy lại niềm tin và khôi phục vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trên thế giới.