Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry có bài phát biểu “Thách thức biến đổi khí hậu và lựa chọn cho Việt Nam từ góc nhìn năng lượng" tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức. Tuần Việt Nam lược trích.

Tôi và Thượng nghị sĩ John Mccain rất nhiều lần đến Việt Nam và chúng tôi biết cần phải có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam với tư cách là một quốc gia chứ không phải một cuộc chiến. Trong 25 năm qua kể từ ngày bình thường hoá quan hệ giữa hai nước là một minh chứng rõ ràng cách thức mà những người dân quốc gia trên thế giới có thể hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề.

Một trong những ấn tượng sâu sắc của tôi là cách thức người Việt hướng tới các mối quan hệ trong tương lai để có những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình và tạo ra những thay đổi khác biệt. Việt Nam có tỉ lệ dân số trẻ, những người trẻ tuổi họ đều hướng tới tương lai tốt đẹp.

Việt Nam có nguồn năng lượng rất dồi dào. Chúng ta đang cùng nhau xây dựng một nền kinh tế tuyệt vời với sự tăng trưởng liên tục. Ngày hôm nay ở VN ta thấy nhu cầu của người dân rất cao, Chính phủ sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân thế nào là bài toán đặt ra.

Nhu cầu tăng cao

Tôi cũng thấy điều này ở khắp nơi Châu Á, sự gia tăng về dân số, quá trình đô thị hoá nhanh chóng, các kì vọng về tăng trưởng, việc làm, giáo dục…rất nhiều cơ hội được mở ra tuy nhiên thách thức mỗi quốc gia khác nhau. Mặc dù vậy các quốc gia đều có một điểm chung, nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, đặt ra những yêu cầu với ngành điện phải xây dựng cơ sở hạ tầng. Sự lựa chọn của chúng ta về năng lượng sẽ quyết định kết quả của chúng ta trong việc giải quyết những thách thức biến đổi khí hậu.

Tôi đã nghiên cứu biến đổi khí hậu 30 năm nay, từ năm 1988 và thực tế nhiều nhà khoa học nói với chúng tôi rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra và tôi luôn theo dõi quá trình này. Năm 1992, trong Hội nghị Thượng đỉnh trái đất chúng ta đã ký thoả thuận tự nguyện để giảm phát thải. Năm 1997, ba tôi đã dẫn đầu đoàn đàm phán của quốc hội trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng thời điểm đó chúng tôi đã thất bại. Tôi cũng rất vinh dự đại diện cho Hoa Kỳ có mặt đàm phán về Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. Lúc đó, cá nhân tôi cũng có cơ hội thảo luận với Trung Quốc khi chúng tôi nói đến quá trình này. Đó là những nỗ lực của chúng tôi tại Paris.

Chúng tôi đã có nhiều nỗ lực thay đổi quá trình này vì chúng ta đang cùng nhau chung sống trên thế giới. Nếu ngày mai Hoa Kì ngừng phát thải, nếu ngày mai Hoa Kì và Trung Quốc có mức phát thải bằng 0 thì vẫn chưa hoàn toàn giải quyết được vấn đề. Thế giới phát triển tạo ra nhiều phát thải hơn, nếu chỉ một trong hai quốc gia này dừng thì vẫn không tạo ra được khác biệt đáng kể. Tất cả chúng ta phải chung tay giải quyết vấn đề.

{keywords}
Cựu Ngoại trưởng John Kerry phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019.

Nhu cầu về năng lượng đang gia tăng hơn 60% trong vòng 5 năm qua ở Đông Nam Á. Chỉ riêng nhu cầu ở Đông Nam Á đã tăng gấp đôi so với Trung Quốc. Nhu cầu về năng lượng Đông Nam Á sẽ tăng khoảng 70% vào năm 2040. Hơn 73% năng lượng xuất khẩu là đến từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có nghĩa khoảng một nửa nhu cầu năng lượng được cung cấp bởi các quốc gia đó, vậy 50% còn lại nhu cầu năng lượng của Châu Á sẽ thế nào, không được giải quyết bằng dầu, gió hay điện mặt trời.

Tôi e rằng Châu Á là nơi chúng ta giảm quá trình phát triển điện gió trong vòng 10 năm qua như Malaysia. Tất cả đều tập trung vào than. Nhu cầu về than hiện nay ở Đông Nam Á vẫn đang tăng và sẽ tăng nhanh nhất, cao nhất so với các quốc gia khác trên thế, tăng 5% hàng năm tới năm 2023.

Châu Á - Thái Bình Dương sản xuất 70% tổng lượng than trên thế giới. Châu Á – Thái Bình Dương cũng là nơi tiêu thụ than nhiều nhất trên thế giới. Khối lượng khai thác than rất lớn, có tác động lớn nhất đến thải khí nhà kính. Bất cứ khi ta có lựa chọn về công nghệ gì đi chẳng nữa, kể cả áp dụng công nghệ mới đối với than thì đó cũng là nhiên liệu hoá thạch bẩn nhất, gây ra nhiều phát thải nhất.

Chúng ta còn nhiều lựa chọn khác ngoài than. Tôi chỉ muốn nói đến các lựa chọn thực tế hiện nay các chính phủ đang gặp phải, kể cả Hoa Kì, nhưng chúng ta phải rất rõ ràng về những lựa chọn này.

Thiên tai chưa từng có

Than phát thải khí Co2 lớn nhất. Chúng ta thấy sự gia tăng của mực nước biển do biến đổi khí hậu. Các báo cáo của các nhà khoa học gần đây cho thấy mực nước biển tăng khoảng 40%, nhanh hơn so với kì vọng của họ. Sự ấm lên của nước cũng sẽ gia tăng, vì thế mực nước biển cũng sẽ tăng và hệ sinh thái cũng sẽ thay đổi, các rạn san hô sẽ chết nhanh hơn, cá cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Lượng Co2 phát thải càng tăng thì lượng đó rơi xuống nước càng nhiều, nước ấy sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, dẫn đến các sinh vật dưới biển ngàng càng khó sống hơn.

Điều đó cũng là nguy cơ dẫn đến sự sụt giảm từ 50-80% lượng cá vào cuối thế kỉ này. Điều này không còn là mơ hồ nữa. Các nhà lãnh đạo cứ nói phải thắng cử trong nhiệm kì tiếp theo hay còn nhiều việc khác phải làm, không thể nói như vậy được. Nhưng biến đổi khí hậu đang hiện hữu và diễn ra ngày càng nhanh hơn, đe doạ đời sống của tất cả người dân trên thế giới. Chúng ta đã có những người tị nạn trên thế giới do biến đổi khí hậu. Tôi cũng bắt đầu có các Hội nghị về đại dương, năm sau sẽ họp tại Nauy. Chúng tôi đã có những trao đổi làm thế nào để bào tồn đại dương của chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta có thể tạo ra những quyết định làm thay đổi những nguy cơ trên. Người dân Hoa Kì thực sự có những cam kết để ứng phó với biến đổi khí hậu. Hơn 1.000 thị trưởng ở Hoa Kì đã duy trì những thoả thuận, cam kết. Chúng tôi vẫn đang có những tiến trình để đạt được những mục tiêu đó. 70% của nguồn điện mới được đưa vào mạng lưới ở Hoa Kì trong mấy năm vừa rồi, trong đó 75% là từ điện mặt trời, và than chiếm 0,2%. Bây giờ Hoa Kì đã không còn xây dựng các nhà máy điện đốt than nữa.

Trên thế giới những nhà máy điện đốt than cũng không còn hiệu quả, thậm chí về mặt kinh tế còn kém hiệu quả hơn bởi gió, thuỷ điện, điện mặt trời, khí thiên nhiên kể cả điện hạt nhân cũng đang được xây dựng để giải quyết vấn đề phát thải.

Tôi nhấn mạnh chúng ta phải tập trung vào các lựa chọn. Tôi đã gặp những nhà khoa học ở Nauy, họ nói nếu ngoại trưởng muốn hiểu được biến đổi khí hậu thế nào thì ông phải đến đó. Tôi đã đến và thấy băng tan chảy ở Bắc Cực. Do sự ấm lên của trái đất, tiến trình tan băng càng nhanh hơn, hệ sinh thái ở dưới băng đó cũng sẽ bị ảnh hưởng và còn nhiều yếu tố khác nữa.

Chúng ta cũng thấy có vụ cháy rừng ở California năm ngoái, lúc đó vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Năm ngoái, nước Mỹ có 3 trận bão, gây thiệt hại 265 tỷ đô la. Chỉ trong vòng 5 ngày lượng mưa ở Houston lớn bằng tổng lượng mưa trong vòng một năm. Chúng tôi cũng gặp những trận bão lớn càn quét khu vực này trong vòng 24 giờ. Như vậy có rất nhiều vụ lũ lụt, bão nhiệt hay các vụ thiên tai khác chưa từng có mà bây giờ lại hiện hữu.

Lựa chọn của Việt Nam

Trong vòng 5 năm qua, Việt Nam có mức sử dụng than tăng 75%. Giá than lại ở mức rất thấp. Khi Việt Nam không có thị trường cạnh tranh là rất cần thiết cho các lựa chọn.

Do đó, tôi có thông điệp rất rõ ràng gửi đến các bạn. Ngày hôm nay, với Việt Nam để tiếp tục tăng trưởng và là một quốc gia có sức cạnh tranh với các quốc gia khác thì lĩnh vực tư nhân cần phải có thêm các quyết định của mình. Chính phủ sẽ ra quyết định về mặt dài hạn, không nên có những quyết định không hợp lí như đầu tư vào than.

Nếu Việt Nam muốn giải quyết vấn đề đầu tư dài hạn và nắm bắt những cơ hội thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, mang lại niềm hy vọng ở tương lai thì ta phải thu hút càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài càng tốt, nguồn vốn ấy sẽ đến nếu chúng ta có được những lựa chọn có một quy trình năng lượng phù hợp với Việt Nam.

Việt Nam đã tham gia vào Thoả thuận Paris nhưng chúng ta không thể chỉ tham gia bằng cách kí xong rồi bảo thế là tốt rồi, nhưng lại tăng lượng tiêu thụ than lên 75%. Như vậy là không nên.

{keywords}
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019.

Tuần trước tôi đã có một buổi ăn tối ở Boston. Chúng tôi trao đổi với đại diện của trường Đại học Fullbright, ông David Dapice. Ông ấy nói nhiều về ô nhiễm ở Việt Nam, kể từ năm 2008 ô nhiễm ở Việt Nam đã tăng vài con số, thậm chí mức độ ô nhiễm ở Hà Nội còn cao hơn ở Bắc Kinh và New Deli. Đặc biệt, là các hạt gây ô nhiễm trong không khí, chủ yếu do ô nhiễm công nghiệp, giao thông và từ xăng dầu không được lọc tốt.

Khi Việt Nam phát triển với mức tăng trưởng GDP 7% mỗi năm, các bạn ta sẽ tiêu thụ thêm năng lượng.

Vậy các giải pháp đặt ra là gì? Một giải pháp rất đơn giản cho vấn đề biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học phân tích, chúng ta có 12 năm để phòng ngừa mức 0,5 độ khí hậu ấm lên toàn cầu nếu tránh được tác động khủng khiếp nhất của biến đổi khí hâuu. Tôi tin vào khoa học. Giải pháp chúng ta có nhưng chúng ta chưa có những cam kết về chính trị để ra được những quyết định cần thiết.

Do vậy, giải pháp chính là chính sách về năng lượng. Đó là chính sách để giải quyết biến đổi khí hậu. Nếu chúng ta muốn kiếm tiền trong lĩnh vực kinh doanh thì thị trường đơn lẻ lớn nhất thế giới không phải là thị trường công nghệ mà là năng lượng. Chúng ta có nhiều người kiếm được tiền từ công nghệ, đó là thị trường 1.000 tỷ USD với 1 tỷ người dùng. Nhưng thị trường năng lượng trị giá hàng nghìn tỷ đô la với 4,5 tỷ người dùng, dự kiến sẽ tăng tới hơn 8 tỷ vào năm 2030 và tất cả những người ấy cũng sẽ có những lợi ích từ năng lượng như nhà sưởi ấm hộ gia đình, giao thông...Chúng ta có cơ hội rất lớn.

Những năm 70, 80 chúng ta có khủng hoảng về năng lượng. Cách đây vài năm một Bộ trưởng dầu mỏ đã nói kỉ nguyên đá kết thúc vì chúng ta không còn đá. Bây giờ chúng ta hãy nói câu tương tự là kỉ nguyên than kết thúc vì chúng ta không còn than. Chúng ta vẫn còn than, vẫn còn những nhiên liệu hoá thạch mà kỉ nguyên nhiên liệu hoá thạch sẽ kết thúc vì ta đã tìm ra những giải pháp tốt hơn là sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để phục vụ cho các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng của chúng ta.

Cơ sở cho câu trả lời rất đơn giản là giảm than, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo bắt đầu ngay từ ngày hôm nay. Năng lượng mặt trời hôm nay có giá thành rẻ hơn than. Nếu ai đó nói giá than rẻ hơn là họ không tính đến chi phí giá thành sản xuất điện từ than, những chi phí ngoại biên so với những chi phí được sản xuất từ năng lượng mặt trời. Họ sẽ không bao giờ nói đến sự khác biệt giữa nguồn năng lượng điện như than hay những nguồn điện sản xuất từ năng lượng sạch do điện mặt trời tạo ra. Họ không bao giờ nói những tác hại do năng lượng hoá thạch gây ra, ví dụ như bệnh ung thư.

Khi chúng ta tính đến tất cả những yếu tố đó sẽ thấy lợi thế so sánh không nhỏ giữa năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng hoá  thạch. Bản thân giá thành năng lượng tái tạo bây giờ cũng rẻ hơn, ít nhất là 3 cent/kWh so với năng lượng hoá thạch. Đó là những cơ sở để ta thu hút đầu tư vào sản xuất năng lượng điện từ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Chung tay giải quyết

Việt Nam là quốc gia may mắn khi sở hữu những lợi thế như vậy như thuỷ điện. Việt Nam mới chỉ sử dụng 31% thôi mà công suất thực sự phải lên đến 45%. Thay vào đó Việt Nam thích dùng gì? Thích dùng than để sản xuất điện hay thế nào?! Bản thân năng lượng gió, năng lượng mặt trời ở Việt Nam cũng có tiềm năng sản xuất. Do đó mạng lưới sản xuất điện từ các nguồn năng lượng sạch của Việt Nam là rất triển vọng.

Vấn đề là Việt Nam cân bằng và kết hợp được các nguồn năng lượng này như thế nào khi chúng ta có ít ánh sáng mặt trời hơn theo mùa, ta có năng lượng gió để bù đắp. Nghĩa là chúng ta cần có mạng lưới điện thông minh sản xuất từ các nguồn năng lượng sạch. Điều quan trọng cần có những chính sách, luật để thúc đẩy áp dụng công nghệ hiện đại và dự trữ nguồn pin, năng lượng để phòng khi thiên nhiên thay đổi như ánh mặt trời chiếu sáng ít hơn. Việt Nam đang có cơ hội tốt nhất so với các quốc gia trên thế giới trong việc khai thác năng lượng sạch để chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang sử dụng năng lượng sạch.

Một số điểm ta có thể áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện sản xuất từ năng lượng sạch, gọi vốn cũng như huy động nguồn lực tài chính để sản xuất năng lượng sạch. Thúc đẩy việc sử dụng đất, thu hồi đất để xây dựng các đường dây truyền tải phù hợp hơn với sự tham gia của nước ngoài hoặc các công ty tư nhân của Việt Nam. Hỗ trợ bằng cách sử dụng pin lưu trữ hay thúc đẩy năng lượng tái tạo, tối đa hoá sử dụng điện mặt trời trên mái. Hoàn toàn ta có thể tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiểu quả cao...

Đây quả thực là vấn đề khó khăn cả với Hoa Kì và các quốc gia khác trên thế giới. Chúng ta không cần thiết là tù nhân lệ thuộc vào than, không phụ thuộc vào các quyết định đưa chúng ta đến một tương lai không tươi sáng.

Cần hướng tới một nguồn năng lượng tái tạo bền vững, giảm phát thải Co2. Chúng ta không thể quên vấn đề thiếu hụt về năng lực lãnh đạo, năng lực ra quyết định. Tôi rất vui là lãnh đạo Việt Nam đã quyết định Việt Nam cần phải đi theo hướng này. Làm thế nào để Việt Nam thúc đẩy quá trình này càng nhanh càng tốt? Cần lắng nghe các nhà khoa học để ra quyết định. Chúng ta đến đây để nắm bắt thời điểm lịch sử và thay đổi lịch sử. Từng cá nhân ở đây cùng chung tay để giải quyết thách thức này.

Lan Anh lược ghi