Theo tờ Business Insider, là thành viên của NATO vào năm 1999, Ba Lan đang chi tiêu cho lĩnh vực quân sự nhiều hơn các thành viên khác trong liên minh. Với tỷ lệ 3,9% GDP, ngân sách quốc phòng năm 2023 của Ba Lan gần gấp đôi mục tiêu 2% GDP mà NATO đặt ra cho các nước thành viên. Ngay cả những trụ cột trong NATO như Đức và Pháp cũng chưa đáp ứng được tiêu chí này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak cho biết, Ba Lan có ý định thành lập "lực lượng trên bộ lớn nhất khu vực châu Âu" bao gồm tăng gấp đôi số lượng binh sĩ lên 300.000 người.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh, Ba Lan đang sở hữu cả vũ khí của phương Tây và Liên Xô cũ bao gồm 650 xe tăng, 800 khẩu pháo, 94 máy bay chiến đấu phản lực, và 28 máy bay trực thăng tấn công.
Ba Lan đã viện trợ một số vũ khí cũ cho Ukraine như máy bay chiến đấu MiG-29, xe tăng T-72 do Liên Xô cũ thiết kế, và pháo tự hành Krab 155mm do Ba Lan chế tạo.
Các hợp đồng mua vũ khí hiện thời của Ba Lan cũng rất đáng chú ý. Theo đó, Warsaw đã ký các thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD để mua 350 xe tăng M1 Abrams của Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng vừa phê duyệt thương vụ mua 96 trực thăng tấn công AH-64E Apache trị giá 12 tỷ USD cho Ba Lan. Những trực thăng này sẽ được trang bị nhiều loại vũ khí như tên lửa chống tăng Hellfire, tên lửa không đối không Stinger, và tên lửa không đối đất. Thương vụ này sẽ đưa Ba Lan trở thành quốc gia sở hữu nhiều trực thăng Apache nhất ngoài Mỹ.
Ngoài ra, Ba Lan cũng đang chi 10 tỷ USD cho 18 bệ phóng HIMARS, và được cho có kế hoạch mua thêm tới 500 bệ phóng.
Ba Lan còn đặt mua lô vũ khí trị giá 14 tỷ USD của Hàn Quốc bao gồm 1.000 xe tăng K2 Black Panther, gần 700 pháo tự hành K9, và 48 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50.
Câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế trị giá 700 tỷ USD của Ba Lan có thể đáp ứng được mức tăng chi tiêu quốc phòng hay không.
Một vấn đề khác đối với các nước thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây là dù hầu hết đã gia nhập NATO, nhưng cơ cấu huấn luyện, học thuyết, và chỉ huy quân đội vẫn dựa trên mô hình của Liên Xô cũ. Điển hình, Ukraine sử dụng lực lượng quân đội được huấn luyện theo cả mô hình của Liên Xô cũ và phương Tây trong quá trình chiến đấu chống lại quân đội Nga. Tuy nhiên, cuộc phản công của Kiev từ đầu tháng Sáu đã cho thấy các lữ đoàn tấn công do phương Tây huấn luyện phải vật lộn để nắm vững chiến thuật mới trong quá trình cố gắng chọc thủng hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga. Vì vậy, cuộc phản công của Ukraine cho tới nay vẫn chưa đạt được ưu thế đáng kể nào.
Do đó, Ba Lan dường như đang tái phát triển quân đội nước này thành phiên bản thu nhỏ của quân đội Mỹ, lực lượng vốn dựa vào chiến thuật phối hợp vũ khí như kết hợp chặt chẽ giữa xe tăng Abrams và trực thăng Apache.