Song, để được xếp hạng 100 người giàu nhất nước, ít nhất cũng phải có 526 tỷ đồng trong cổ phiếu!
Cổ phiếu VIC hiện đang đạt mức giá 112.100 đồng sau khi hồi phục nhẹ 100 đồng vào sáng nay. Trong vòng 1 năm qua, mã này đã tăng giá khoảng 57,5%.
HPG sáng nay tăng 500 đồng tương ứng 1,58% lên 32.100 đồng/cổ phiếu, xác lập đà tăng liên tục kể từ phiên 11/2, tức phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi.
VJC ngược lại sáng nay đánh mất 800 đồng tương ứng 0,66% còn 120.500 đồng/cổ phiếu. Nếu phiên chiều không cải thiệt thì đây đã là phiên giảm thứ 4 của mã này, trong khi đó, xét trong khoảng thời gian 1 năm vừa qua, VJC đã mất hơn 26% giá trị.
Đối với những tỷ phú chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu có quyết định lớn đến giá trị tài sản cũng như xếp hạng của họ trong danh sách giới siêu giàu.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng người giàu nhanh nhất thế giới |
Cập nhật của Forbes đến thời điểm này cho thấy, đến thời điểm này, Việt Nam có 3 tỷ phú USD sau khi ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát bị bật khỏi danh sách xếp hạng. Trong 1 năm qua, tài sản ông Phạm Nhật Vượng đã tăng mạnh lên 7,4 tỷ USD, xếp thứ 201 thế giới. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet lại sụt giảm tài sản còn 2,3 tỷ USD, xếp thứ 1038 và giá trị tài sản của ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco Trường Hải và gia đình là 1,7 tỷ USD, xếp thứ 1335 thế giới.
Tại kỳ xếp hạng tháng 3/2018, ông Phạm Nhật Vượng xếp thứ 499 thế giới về mức độ giàu có với giá trị tài sản là 4,3 tỷ USD; bà Nguyễn Thị Phương Thảo xếp thứ 766 với 3,1 tỷ USD; ông Trần Bá Dương xếp thứ 1339 với 1,8 tỷ USD và ông Trần Đình Long xếp thứ 1756 với 1,3 tỷ USD tài sản.
Báo cáo High Net Worth Handbook 2019 vừa được Wealth-X công bố đầu năm nay cho thấy, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng người giàu giai đoạn 2018-2023. Người giàu theo định nghĩa của báo cáo này là những cá nhân sở hữu khối tài sản từ 1 đến 30 triệu USD.
Tốc độ tăng trưởng người giàu tại Việt Nam từ nay đến năm 2023 trung bình là 10,1%/năm, xếp sau Nigeria (16,3%), Ai Cập (12,5%) và Bangladesh (11,4%).
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, không dễ nhận ra có hàng trăm người sở hữu tài sản cổ phiếu có giá trị tới hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng, đều là những triệu phú USD. Và để được xếp hạng trong top 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam thì phải có khối tài sản trị giá tới 526 tỷ đồng (vị trí này thuộc về ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sao Mai Group).
Phiên sáng nay (18/2), các chỉ số đã bắt đầu tuần giao dịch mới với sự phục hồi cả về giá lẫn thanh khoản. Cụ thể, VN-Index tăng 2,84 điểm tương ứng 0,3% lên 953,73 điểm; HNX-Index tăng 0,28 điểm tương ứng 0,26% lên 106,39 điểm.
Chênh lệch số mã tăng giảm trên toàn thị trường không đáng kể. Trong khi có 243 mã giảm, 34 mã giảm sàn thì cũng có tới 252 mã tăng, 19 mã tăng trần.
Thanh khoản trên HSX đạt 96,42 triệu cổ phiếu tương đương 1.994,43 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 20,36 triệu cổ phiếu tương ứng 264,04 tỷ đồng.
Nhận được sự hỗ trợ từ GAS, VCB, HPG, VNM, PLX… tuy nhiên, chỉ số lại bị kìm hãm bởi loạt mã giảm giá là BVH, VHM, VJC, ROS.
Theo nhận xét của Công ty chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS), tâm lý tích cực của nhà đầu tư trong tuần vừa qua được duy trì khá tốt trong những phiên đầu tuần qua giúp cho chỉ số chung duy trì được đà hưng phấn. Tuy nhiên, tâm lý chốt lời ngắn hạn cũng đã bắt đầu hiện hữu và khiến cho chỉ số đảo chiều giảm điểm nhẹ vào cuối tuần.
Thêm vào đó, việc những chỉ số kỹ thuật đi vào vùng quá mua có thể sẽ khiến cho lực cung trên thị trường trở nên mạnh hơn trong những phiên tới.
Trong bối cảnh như vậy, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể chốt lời ngắn hạn để bảo toàn thành quả, đồng thời theo dõi thêm những diễn biến mới trên thị trường trong một vài phiên tới nhằm kịp thời cơ cấu lại danh mục nếu cần thiết.
(Theo Dân trí)