Tăng gấp 3 lần, giá chung cư Hà Nội ngang TP.HCM

Dữ liệu lớn của một đơn vị chuyên thống kê thị trường ghi nhận trong 8 tháng năm nay, nhu cầu tìm kiếm căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.HCM đều tăng so với cùng kỳ năm trước. 

Cụ thể, lượt tìm mua chung cư Hà Nội và TP.HCM tăng lần lượt 9% và 4%. Lượt tìm thuê chung cư tại 2 thành phố này còn tăng mạnh hơn, lần lượt là 25% và 48%.  

Bên cạnh đó, loại hình chung cư có mặt bằng giá rao bán gia tăng trong 8 tháng qua. Đáng chú ý, tốc độ tăng giá chung cư Hà Nội cao khoảng gấp đôi thậm chí gấp ba so với TP.HCM, tùy từng phân khúc.

Các phân khúc căn hộ tại Hà Nội có giá rao bán tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá rao bán chung cư bình dân, trung cấp và cao cấp ở TP.HCM tăng lần lượt là 3%, 5,5% và 8%.

Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân (Ảnh: Hoàng Hà)

Phân khúc cao cấp có giá rao bán, mức độ quan tâm và lượng tin đăng tăng cao nhất thị trường chung cư TP.HCM.

Trên thị trường chung cư Hà Nội, căn hộ trung cấp có giá rao bán tăng cao nhất (15,5%). Đây là phân khúc thu hút lượng quan tâm lớn nhất và tăng mạnh nhất (10%), lượng tin đăng cũng tăng 11%.

Còn ở TP.HCM, căn hộ cao cấp đứng đầu về tốc độ tăng giá rao bán, mức độ quan tâm và cả số lượng tin đăng. Cụ thể, giá rao bán chung cư cao cấp TP.HCM tăng 8%, lượt tìm mua tăng 16% và lượng tin đăng tăng đến 25%.

Lý giải về vấn đề này, chuyên gia bất động sản cho rằng, những năm qua, nền giá chung cư TP.HCM cao hơn đáng kể so với Hà Nội. Nhưng đến hiện tại, mức giá điều chỉnh gần như ngang nhau song lại diễn ra trên 2 nền giá khác nhau thì tỷ lệ % thay đổi tất yếu sẽ chênh lệch. Đồng thời, trong vài năm trở lại đây, đất nền ở các vùng ven Hà Nội đã trải qua các cơn “sốt”, qua đó đẩy giá mặt bằng chung của các phân khúc khác như chung cư lên cao.

3 tỷ đồng khó mua nhà nội thành Hà Nội 

Tìm mua nhà với tài chính khoảng 3 tỷ đồng từ cuối năm 2021 đến nay anh Nguyễn Duy (Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa tìm mua được căn hộ chung cư mới tại khu vực trung tâm. Khảo sát giá một số dư án mới tại Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai đều có giá trên 40 triệu đồng/m2. 

“Trong năm 2021, tôi có tìm hiểu một dự án ở khu Ngoại giao đoàn (Nam Từ Liêm) giá sơ cấp từ chủ đầu tư chưa đến 50 triệu/m2 nhưng quỹ căn không nhiều. Vài tháng sau thì chỉ còn hàng thứ cấp với mức giá đã tăng lên đến khoảng 60 triệu/m2” – anh Duy kể. 

Ghi nhận trên thị trường các dự án đang mở bán như Khai Sơn City (Long Biên) giá 43 triệu đồng/m2; Ha Noi Melody Residence (Linh Đàm, Hoàng Mai) giá hơn 40 triệu đồng/m2; Chung cư T&T Capella Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa) giá hơn 60 triệu đồng/m2…

Cũng như anh Duy, chị Lan Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) có trong tay khoảng 2 tỷ đồng vẫn chật vật tìm mua nhà vài tháng nay. Với tầm tài chính trên chị Lan Anh xác định tìm mua các căn hộ cũ trong nội thành nhưng hầu hết chung cư đã đi vào hoạt động 2-5 năm cũng thiết lập mặt bằng giá mới tăng vài trăm triệu đến cả tỷ đồng so với năm 2021. Căn hộ ở chung cư The Spark (Dương Nội, Hà Đông) đã tăng khoảng 300-400 triệu đồng tuỳ diện tích.

Giá chung cư Đại Kim Building (Hoàng Mai, Hà Nội) tăng 60-70% so với cách đây 5 năm khi người dân vừa nhận nhà. Dự án Hanhome Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) tăng từ 25 triệu đồng/m2 lên 30 triệu đồng/m2 so với cách đây 2 năm. Dự án Hei Tower (Thanh Xuân, Hà Nội) tăng từ 28 triệu đồng lên 40 triệu đồng/2 chỉ trong vòng 3 năm…

Không chỉ các căn hộ chung cư, giá tập thể cũ quận nội đô cũng tăng. Một căn tập thể khoảng 50 m2 ở khu Thành Công năm trước được rao khoảng 1,8-2,2 tỷ đồng thì năm nay đã ở mức 2,2-2,5 tỷ đồng.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, nhận định quan hệ cung - cầu trên thị trường có sự lệch pha từ nhiều năm qua. Nhìn chung nguồn cung còn hạn chế và cần thời gian để tăng, trong khi nhu cầu dự báo đã và sẽ sớm tăng trở lại.

Vị chuyên gia này cho rằng, chính sự lệch pha này đã góp phần đẩy giá bất động sản lên cao thời gian qua và trong trung hạn, khiến người dân, người có nhu cầu thực khó mua được nhà ở với mức giá hợp lý. Tại Hà Nội, TPHCM hầu như không còn căn hộ chung cư giá dưới 25 triệu đồng/m2.

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), việc thị trường nhà ở đang phát triển theo hình tháp ngược, với số lượng căn hộ cao cấp chiếm lĩnh rổ hàng, còn số lượng căn hộ bình dân vốn dành cho đa số người dân lại có tỷ lệ bằng không. Thực trạng này là dấu hiệu của sự thiếu bền vững, cần cấp thiết điều chỉnh lại. 

Tuy nhiên, sức mua khó đạt được sự mạnh mẽ như trước vì thu nhập bình quân của người dân chưa bắt kịp với mức độ tăng của bất động sản. Mặt khác, nhóm đối tượng sử dụng đòn bẩy tài chính đang gặp nhiều khó khăn hơn khi chính sách hỗ trợ cho vay bất động sản đang được kiểm soát chặt chẽ.

Dân thường Việt Nam, 57 năm tiền lương mới mua nổi 1 căn hộ

Trao đổi tại một cuộc toạ đàm vào tháng 7 vừa qua, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, tại Việt Nam, tính đúng theo công thức chuẩn của IMF vào thời điểm 4 năm trước, người dân cần 35 năm để mua được một căn hộ. Nhưng hiện tại, con số này đã ở mức... 57 năm.

Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương. Nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng gặp khó khăn trong các thủ tục pháp lý đặc biệt là việc lựa chọn chủ đầu tư, tính tiền sử dụng đất, giao đất như tại TP.HCM theo thông tin của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có khoàng 126 dự án.

Cơ cấu sản phẩm bất động sản còn bất hợp lý. Phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa. Trong khi đó thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

“Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Tại Hà Nội, TP.HCM hầu như không còn căn hộ chung cư có giá dưới 25 triệu đồng/m2” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.