Kennedy Jr., cháu trai của cố Tổng thống John F. Kennedy, tháng trước đã tuyên bố dừng tranh cử với tư cách ứng viên tổng thống độc lập và chuyển sang ủng hộ ông Trump, viện dẫn cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng khả năng leo thang thành xung đột hạt nhân là một trong những lí do chính.
Trong một bài xã luận chung, được đăng tải trên báo The Hill hôm 17/9, bộ đôi Trump Jr. và Kennedy Jr. viết, việc Mỹ và các đồng minh cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ tấn công tầm xa vào Nga "sẽ khiến thế giới có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân lớn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba".
Với nhan đề "Hãy đàm phán với Moscow để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine và ngăn chặn sự tàn phá hạt nhân", con trai cả và cựu đối thủ của ứng viên tổng thống Cộng hòa khuyến cáo Mỹ phải tập trung tìm kiếm "một lối thoát ngoại giao cho một cuộc chiến tranh không bao giờ được phép xảy ra", đồng thời cáo buộc Nhà Trắng đang theo đuổi một chính sách sẽ dẫn đến chiến tranh công khai.
“Một số nhà phân tích người Mỹ tin Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đang hù dọa… Họ đang nhầm lẫn sự kiềm chế với sự yếu đuối. Về bản chất, họ đang ủng hộ một chiến lược của chủ nghĩa bên miệng hố chiến tranh”, trích nội dung bài báo.
Đề cập đến việc Washington liên tục mở rộng việc cung cấp vũ khí cho Kiev, từ pháo phản lực HIMARS và bom chùm đến xe tăng Abrams, máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa ATACMS tầm xa, Trump Jr. và Kennedy Jr. lưu ý mỗi bước đi như vậy "đang kéo thế giới đến gần bờ vực của ngày tận thế". Họ lập luận rằng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden “dường như đã quên" việc Nga là một cường quốc hạt nhân và từng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí này nếu bị đe dọa.
Theo Trump Jr. và Kennedy Jr., không có lợi ích nào của Mỹ bị đe dọa ở Ukraine. Họ kêu gọi công chúng Mỹ "yêu cầu Tổng thống Biden và Phó tổng thống Kamala Harris đảo ngược chương trình nghị sự xung đột và mở các cuộc đàm phán trực tiếp với Moscow".
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga - Ukraine đã đổ vỡ vào mùa xuân năm 2022, khi cả hai bên cáo buộc nhau đưa ra những yêu cầu phi thực tế. Kể từ đó, Mỹ nhấn mạnh chỉ ủng hộ thỏa thuận hòa bình theo các điều khoản của Ukraine và nhiều lần cam kết hỗ trợ cũng như chuyển giao vũ khí cho quốc gia Đông Âu này "chừng nào còn cần thiết".