Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, có trên 75% loại dịch bệnh nguy hiểm ở người có nguồn gốc từ động vật, như cúm gia cầm, dại, bò điên, liên cầu khuẩn, lao bò, và hiện nay là Covid-19…, gây tổn hại lớn cả về kinh tế và con người.
Hiện nay nguồn lực tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật còn hạn hẹp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong khi thực tế yêu cầu cần phải kiểm soát thật tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thì việc tái đàn, tăng đàn vật nuôi mới thuận lợi.
Với một ngành nghề không chỉ tác động đến kinh tế - xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân, thì sự lúng túng của một số địa phương trong thực hiện phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh thời gian qua cần sớm được chấn chỉnh. Tương tự, tình trạng thiếu nhân lực để thực hiện kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, đứt đoạn trong quản lý thú y, chậm trễ trong phát hiện, báo cáo dịch bệnh… cũng cần được nhanh chóng khắc phục.
Trong khi đó vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc sáp nhập trạm chăn nuôi và thú y về cấp huyện quản lý. Bởi, tuy giảm được đầu mối, nhưng chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp bị hạn chế, ảnh hưởng lớn đến việc nắm bắt, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh ban đầu và triển khai thực hiện công tác tiêm phòng, công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm.
Thêm nữa, việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ thú y cơ sở ở các địa phương không giống nhau. Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ thì lực lượng này không chuyên trách cấp xã, trong khi đó, nếu áp dụng chế độ đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã thì cơ chế rất thấp.
Mạnh Hưng