Ngày 10/10 hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là dịp khơi dậy và lan tỏa niềm tự hào dân tộc, thổi bùng lên nhiệt huyết và tinh thần đóng góp cho dân tộc, đất nước bằng sự đổi mới, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả những chương trình, nhiệm vụ để chuyển đổi số thành công. Báo VietNamNet thực hiện tuyến bài về Ngày Chuyển đổi số quốc gia để phần nào phản ánh, ghi nhận những nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước cho tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số.

Nhàn nhã nhờ thủ tục online

Sáng đầu tuần, chị Vũ Thị Uyên, kế toán một doanh nghiệp ở Đống Đa (Hà Nội) thoăn thoắt thao tác trên máy tính để làm thủ tục thuế cho doanh nghiệp và các nhân viên công ty.

“Giờ làm nhàn, ngồi một chỗ làm được gần hết các thủ tục thuế như nộp tờ khai thuế, tiền thuế... Tờ khai thuế nộp hàng tháng, với doanh nghiệp nhỏ nộp hàng quý, còn thủ tục hoàn thuế làm theo năm”, chị Uyên hào hứng.

Những kế toán có hàng chục năm kinh nghiệm như chị Uyên đến giờ vẫn không quên nỗi ám ảnh về những ngày tháng xếp hàng dài ở trụ sở cơ quan thuế. “Ngày xưa xếp hàng đông lắm. Đến kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân thì trụ sở đông nghịt, cơ quan thuế phải xếp rất nhiều bàn để làm thủ tục. Bây giờ nộp thuế online, tôi chỉ cần ngồi một chỗ làm, có chữ ký điện tử, rất thuận tiện”, chị kể.

nộp thuế.jpg
Giờ đây, ngồi 1 chỗ là doanh nghiệp có thể làm hầu hết thủ tục thuế.

“Thao tác trên phần mềm cũng đơn giản, không khó gì”, chị Uyên kể tiếp. “Thi thoảng còn một số văn bản, giấy tờ phải ra nộp bản giấy, nhưng hầu như không phải chờ lâu”.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 17/8, có 907.521 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 908.061 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,94%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận từ ngày 1/1-17/8 là 12.137.504 hồ sơ.

Nộp thuế trên ứng dụng VNeID

Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành Thuế cũng triển khai các giải pháp kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, hướng tới sử dụng mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế.

Đối với nhiệm vụ kê khai, đăng ký, nộp thuế trên ứng dụng VNeID, sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập, xác thực thông tin người nộp thuế trên các nền tảng của ngành thuế, hải quan, Bộ Công an (C06) đã phối hợp Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) kết nối, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng eTax Mobile để sử dụng các dịch vụ về thuế điện tử dành cho cá nhân từ ngày 5/8.

Đến nay, đã có 79.198 lượt truy cập vào hệ thống thuế điện tử bằng tài khoản định danh điện tử (VNeID).

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lý Thị Hoài Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết, để chuẩn bị cho việc chuyển đổi sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế, Tổng cục Thuế đã chủ động làm việc với Bộ Công an nhằm trao đổi thông tin giữa CSDL thuế với CSDL quốc gia dân cư, từ đó truy vấn thông tin về mã số định danh tương ứng với các mã số thuế.

Theo đó, tính đến ngày 17/8, ngành Thuế đã tiếp nhận 9.713 hồ sơ đăng ký thuế lần đầu và 4.730 hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tuy nhiên, do tính chất của mã số thuế cá nhân là khối lượng lớn, có tính chất lịch sử, được cấp và sử dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật có thay đổi qua các thời kỳ, nên vẫn còn một số lượng mã số thuế cá nhân chưa truy vấn được mã số định danh cá nhân từ CSDL quốc gia về dân cư.

“Đối với nhóm mã số thuế này, cơ quan thuế đã triển khai các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế thay đổi thông tin đăng ký thuế, đảm bảo truy vấn được với Bộ Công an để thu thập thông tin về mã số định danh công dân”, bà Hương chia sẻ.

hóa đơn điện tử.jpg
Các doanh nghiệp sẽ thu được lợi ích tối đa trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử.

Khi sử dụng thống nhất mã số định danh công dân làm mã số thuế nói riêng để giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan thuế và với các cơ quan nhà nước khác, người dân chỉ cần kê khai thông tin số định danh của mình. Các cơ quan quản lý nhà nước có thể trao đổi thông tin về quản lý theo ngành, lĩnh vực đối với công dân để tăng cường hiệu quả quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung.

Lợi ích từ hóa đơn điện tử

Ngoài việc tạo thuận lợi cho người nộp thuế bằng các dịch vụ trực tuyến, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Chính phủ cũng quyết liệt đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT). Việc sử dụng HĐĐT được các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng từ 1/7/2022.

Theo dõi hơn 1 năm triển khai, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần MISA, nhận xét rằng quá nhiều lợi ích mang lại.

Thứ nhất là tiết kiệm chi phí, như chi phí in ấn, vận chuyển hóa đơn qua lại giữa các bên.

Thứ hai là rút ngắn hoạt động giao dịch kinh doanh. "Để thanh toán được, thường chúng ta phải xuất các hóa đơn tài chính và phải chờ đợi chuyển phát hóa đơn giữa các đơn vị. Nếu không có hóa đơn thì rất khó để thanh toán hay thu hồi công nợ và hoàn tất giao dịch kinh doanh. Khi áp dụng HĐĐT, các giao dịch kinh doanh được thực hiện nhanh hơn thì vòng quay về vốn của DN, vòng quay về công nợ sẽ nhanh hơn, từ đó làm tăng hiệu quả hoạt động", ông Quang nói.

Lợi ích thứ ba là giúp số hóa chứng từ, từ đó áp dụng nhiều công nghệ mới. Có thể sử dụng chứng từ này để tự động cập nhật, hạch toán vào các hệ thống khác liên quan.

Là người đang “hưởng lợi” từ HĐĐT chị Nguyễn Thu Vân, giám đốc một doanh nghiệp nhỏ mới thành lập 6 tháng, chia sẻ: "Bây giờ khi chi tiêu bất cứ gì trên 200.000 đồng, tôi chỉ cần để lại thông tin về mã số thuế và email, người bán sẽ gửi hóa đơn vào mail. Tôi không mất công lưu trữ hóa đơn giấy như trước.

“Trước đây, khi tôi làm việc ở công ty cũ, có trường hợp một nhân viên vứt nhầm hộp tài liệu đựng hóa đơn đỏ vào thùng rác. Cả công ty nháo nhào đi tìm, rất may là thấy”, chị Vân kể lại sự cố nhớ đời.

Theo Tổng cục Thuế, đến nay đã có 100% doanh nghiệp, tổ chức (851.372 đơn vị) và 100% hộ, cá nhân kinh doanh (65.576 hộ, cá nhân kinh doanh) theo phương pháp kê khai tại 63 tỉnh, thành phố đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Lũy kế đến ngày 30/9, trên cả nước đã có tổng số hơn 5,3 tỷ HĐĐT đã được tiếp nhận và xử lý.

“Tổng cục Thuế sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình triển khai áp dụng HĐĐT, đảm bảo các doanh nghiệp thu được lợi ích tối đa, hạn chế các gian lận về hóa đơn để cùng chung tay xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần phát triển kinh tế - xã hội”, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nhấn mạnh.

Bài tiếp theo: 5 phút thao tác online, chờ cấp hộ chiếu chuyển về tận nhà 

Nỗ lực ngăn chặn gian lận hóa đơn điện tửTrong thời gian qua, công tác quản lý hóa đơn đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính quan tâm sát sao, tuy nhiên vẫn còn tình trạng buôn bán hóa đơn, trục lợi tiền thuế của ngân sách.