Hôm 16/7, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Phòng thủ Nội địa Bundeswehr của Đức xác nhận với tờ Newsweek rằng, “Kế hoạch Hoạt động Đức (OPLAN DEU) được thực hiện dưới sự giám sát của Bộ Tư lệnh Phòng thủ Nội địa Bundeswehr, và đang được cập nhật liên tục”.

Vào tuần trước, tờ Der Spiegel đưa tin Berlin đang chuẩn bị điều động khoảng 800.000 binh sĩ NATO và 200.000 phương tiện qua lãnh thổ nước này, nếu như tình trạng căng thẳng với Nga biến thành cuộc chiến toàn diện.

nga duc nato.jpg
Binh sĩ Đức tham gia một cuộc tập trận của NATO. Ảnh: Quân đội Mỹ 

"Khả năng nhanh chóng điều động lượng lớn binh sĩ NATO đến sườn phía đông của liên minh quân sự trong trường hợp tình hình an ninh xấu đi là trụ cột chính trong năng lực răn đe thông thường", phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Phòng thủ Nội địa Bundeswehr cho biết.

"Nhiệm vụ thiết yếu của Đức là đảm bảo việc triển khai, và cung cấp theo kế hoạch cho các lực lượng đồng minh và Đức với tư cách là nước chủ nhà. Theo kế hoạch của NATO, hàng trăm nghìn binh sĩ phải được cung cấp chăm sóc y tế và hậu cần nhất quán", phát ngôn viên nói thêm.

Còn theo tờ Der Spiegel, các nhà hoạch định chiến lược của Đức và NATO đang xem xét cách dàn trải lực lượng khổng lồ trên các tuyến đường huyết mạch của nước Đức mà cụ thể là tuyến đường cao tốc A2 dài hơn 480km chạy từ thành phố Oberhausen ở phía tây đến ngoại ô Berlin ở phía đông của Đức, và gần biên giới với Ba Lan.

Der Spiegel nhận định, tuyến đường A2 và một số cây cầu quan trọng ở đây có thể sẽ trở thành mục tiêu chính tấn công của Nga, nếu xung đột bùng nổ.

"Kế hoạch OPLAN DEU không chỉ tính đến một con đường cao tốc làm trục di chuyển qua Đức, mà còn tính đến nhiều con đường, và đường cao tốc liên bang khác. Một ví dụ về trục tây - đông là đường cao tốc trung tâm A2", phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Phòng thủ Nội địa Bundeswehr giải thích. 

Cũng theo ông này, vì lý do an ninh quân sự, nên không thể đi sâu vào bất kỳ chi tiết nào và không thể xác nhận những số liệu được liệt kê trong bài báo của Der Spiegel.

Một tài liệu tóm tắt về kế hoạch OPLAN DEU cung cấp cho Newsweek nhận định, việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022 "đã làm rung chuyển cốt lõi kiến trúc an ninh châu Âu, và buộc Đức phải thiết lập lại năng lực phòng thủ, cũng như thực hiện các nghĩa vụ của liên minh quân sự NATO".

Giới chức Đức cũng cảnh báo mối đe dọa bùng nổ xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga là hiện hữu và nghiêm trọng, do liên minh quân sự vẫn gia tăng sự ủng hộ với Kiev, trong khi Moscow không có dấu hiệu nhượng bộ. 

Về phần mình, Điện Kremlin đã nhiều lần đe dọa có hành động quân sự và thậm chí là tấn công hạt nhân chống lại các quốc gia NATO hỗ trợ Ukraine. Giới chức Nga cho rằng, xung đột Nga – Ukraine trên thực tế là cuộc chiến giữa Moscow với "tập thể phương Tây" do Mỹ lãnh đạo.