Trước chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình, tờ Nhật báo Nhân dân của Trung Quốc gợi ý rằng những thảo luận về việc tái thiết lập mối quan hệ kinh tế song phương sẽ nằm trong lịch trình của hai nhà lãnh đạo.

“Các vấn đề kinh tế và thương mại song phương sẽ được nhấn mạnh”, ông Zheng Jiyong, giám đốc trung tâm Triều Tiên Học tại Đại học Fudan ở Thượng Hải cho biết. Ông cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các phương thức cụ thể để thích nghi với “tình hình mới và thời thế mới”.

“Họ cũng sẽ nói về các vấn đề trao đổi nhân sự song phương, trong giáo dục và hợp tác giảng dạy… và hợp tác trong lĩnh vực du lịch văn hóa”, ông Zheng cho biết thêm.

Anh Zheng cho biết Triều Tiên đã thực hiện các bước đi cải cách nền kinh tế, và đưa vào áp dụng phác đồ công nghiệp của Trung Quốc trong việc tự sản xuất hàng hóa.

{keywords}
Người dân Bắc Kinh theo dõi các hình ảnh được phát sóng trên truyền hình của cuộc họp mặt giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 1/2019.

Ông Tập sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức kéo dài hai ngày kể từ ngày 20/6 tới. Đây là lần đầu tiên một Chủ tịch nước của Trung Quốc đến thăm Triều Tiên trong vòng hơn một thập kỉ qua, và chỉ vài ngày trước cuộc chạm trán với Tổng thống Mỹ Donald Trump về cuộc chiến thương mại đang diễn ra, tại thượng đỉnh G20 ở Osaka.

Cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội vào hồi tháng 2 đã kết thúc không đạt được thỏa thuận, giữa bối cảnh nền kinh tế Triều Tiên tiếp tục chật vật. Bắc Kinh đang rất cảnh giác với những bất ổn ở Triều Tiên, có thể đe dọa đến an ninh của vùng Đông Bắc Trung Quốc, lo ngại về một làn sóng người tị nạn có thể sẽ đổ vào một trong những khu vực nghèo nhất nước này.

Tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc cam kết sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt sau khi một ủy ban của Liên Hợp Quốc cáo buộc Bắc Kinh và Hàn Quốc không chịu tuân thủ một lệnh cấm xuất khẩu than cho Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Mỹ đã tỏ ra nghi ngờ rằng Trung Quốc không thực hiện nghiêm túc các lệnh trừng phạt áp dụng lên nước láng giềng phương Bắc.

Những sự trao đổi về người, bao gồm du lịch, là lĩnh vực được miễn trừ trong các lệnh trừng phạt của LHQ, và là nguồn thu nhập ngoại tệ duy nhất của Triều Tiên. Bởi vậy, đây cũng là một lĩnh vực hợp pháp mà Bắc Kinh có thể gây tác động để giúp củng cố ổn định của nước láng giềng.

Trên thực tế, Trung Quốc cũng thể hiện thái độ mong muốn tăng cường trao đổi về người giữa hai nước, với việc mở ra một trạm trung chuyển tại cửa khẩu và một cây cầu nối thành phố Jian của Trung Quốc với cầu biên giới Manpo của Triều Tiên.

Viện trợ nhân đạo nhiều khả năng cũng sẽ được Trung Quốc cung cấp cho Triều Tiên sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình – các nguồn tin ngoại giao từ Hàn Quốc cho biết.

“Đã nói là làm, vài tuần sau cuộc họp thượng đỉnh song phương (đã diễn ra) giữa Trung Quốc và Triều Tiên, các món quà của Trung Quốc, bao gồm một loạt các viện trợ kinh tế, đã được vận chuyển đến Triều Tiên bằng đường tàu hòa”, một nguồn tin ngoại giao từ Seoul cho biết.

Anh Thư